Giáo dục hội họa dành cho trẻ em – Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Giáo dục hội họa với trẻ em phải xây dựng dựa trên các quan điểm: “Cho học sinh thấy rằng nghệ thuật thị giác mà hội họa hay tranh vẽ được lấy để khởi đầu là một hình thức biểu đạt phổ quát, cơ bản như nói hoặc hát; Cẩn thận với việc kìm hãm khả năng sáng tạo hội họa của trẻ em bằng cách rèn luyện mang tính học thuật cao; Thường xuyên giới thiệu lịch sử nghệ thuật hội họa với nghệ thuật hội họa hiện đại mà không phải qua các tác phẩm của những bậc thầy; Thực hành hội họa để trau dồi tư duy sáng tạo chứ không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp; Hãy triển lãm các tác phẩm hội họa của học sinh để khuyến khích sự tự tin của các em.” – Mark Rothko

Mark Rothko – người đi đầu về tư tưởng trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật hội họa cho trẻ em, trích trong một bài tiểu luận được xuất bản về chủ đề này năm 1934. Trẻ em được định nghĩa trong bài viết này là từ 2 tuổi cho đến giai đoạn tiền trưởng thành 15 tuổi, lấy theo tâm lý giáo dục với đối tượng nghiên cứu là hội họa, tranh vẽ. Lứa tuổi này tương ứng với bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay.

Trong buổi triển lãm của Mark RothkoẢnh của Jeffrey Greenberg/UIG qua Getty Images.
Trong buổi triển lãm của Mark Rothko – Ảnh của Jeffrey Greenberg/UIG qua Getty Images.

1. Phạm vi và đối tượng của bài viết.

Để giáo dục hội họa hòa nhập cùng với nền giáo dục chung thì chúng ta phải xây dựng dựa trên các lợi ích mà nó mang lại cho con người. Những lợi ích đó không gì khác hơn là tạo ra một tư duy trí tuệ thông minh bậc cao và tư duy trí tuệ cảm xúc cho con người. Và do đó nó nên bắt đầu từ sớm, cho trẻ em mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với định dạng chương trình hướng về tâm lý giáo dục từng lứa tuổi.

Đến giai đoạn tiền trưởng thành, chúng ta sẽ thay đổi giáo dục hội họa đi theo hình thức định hướng ngành nghề, tùy theo lựa chọn. Giai đoạn này nên tập trung dạy nền tảng nghệ thuật thị giác đi kèm với kỹ năng biểu đạt thực hành hội họa. Vì chúng tôi cho rằng, não bộ cần phải được rèn luyện trước tiên, để có thể thực hành với kiến thức nền tảng về nghệ thuật thị giác một cách đúng đắn. Hãy để trí não dẫn dắt mọi hành động thuộc về thực hành của đôi tay. Hiểu rõ về nền tảng này, bạn mới trở thành nghệ sĩ với cá tính nghệ thuật của bản thân. Chúng tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn giáo dục nghệ thuật thị giác tiền chuyên nghiệp. Nó giúp các bạn thêm đam mê và hiểu mình cần làm gì khi tham gia vào môi trường chuyên nghiệp: đại học, cao học, nghiên cứu sinh, và giai đoạn là nghệ sĩ (giáo dục và biểu đạt).

Chương trình giáo dục tiền chuyên nghiệp về nền tảng nghệ thuật thị giác cho các bạn học sinh trung học phổ thông, chúng tôi xin phép được chia sẻ, viết về nó trong một bài viết riêng biệt, vì nó hoàn toàn mang tính đặc thù và mục đích giáo dục là khác. Nó hướng về sự chuyên nghiệp, định hướng ngành nghề hơn là giúp đào tạo tư duy trí tuệ thông minh và cảm xúc cho con người. Xem bài viết Giáo dục hội họa đối với tư duy trí tuệ thông minh – IQ và cảm xúc – EQ mà chúng tôi đã viết rất rõ ràng.

Trong phạm vi bài viết này, định hướng chung là hướng đến mục tiêu dùng giáo dục hội họa để xây dựng tư duy trí tuệ thông minh bậc cao và tư duy trí tuệ cảm xúc, xây dựng sự cảm thụ nghệ thuật thị giác cho xã hội. Vì thế đối tượng hưởng thụ nền giáo dục mở này nên dành cho trẻ em – mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Từ trẻ em là khái niệm phù hợp tâm lý giáo dục cho các độ tuổi trước khi trưởng thành, dưới 15 tuổi. Nó phù hợp với mục tiêu giáo dục. Nó giúp xây dựng sự tư tin thông tri thức xã hội nhân văn, tiền đề để các bạn ở giai đoạn trưởng thành định hướng nghề nghiệp. Hội họa có trong mọi yếu tố từ vô hình đến hữu hình của đời sống nhân sinh. Các bạn đọc bài phân tích Hội họa với đời sống, để thấy việc giáo dục nên bắt đầu như thế nào nhé!

Các học viên R'art trong buổi vẽ ngoại cảnh tại công viên Lê Thị Riêng
Các học viên R’art trong buổi vẽ ngoại cảnh tại công viên Lê Thị Riêng

2. Đặt vấn đề

Có lẽ bạn từng nghĩ tư duy sáng tạo là thiên phú. Đam mê hội họa cũng thuộc về tính cách riêng chăng? Hãy thử cùng nhau suy nghĩ khác nhé ! Chúng ta hãy hướng về mục tiêu đào tạo thế hệ dẫn đầu chính là một “thế hệ không giới hạn” (generation unlimited). Đó còn là những con người biết yêu cái đẹp, trân trọng và nhạy cảm với cái đẹp. Không nhất thiết phải là người tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, nhưng thế hệ dẫn đầu nhất định phải là người biết thưởng thức nghệ thuật, biết rung cảm trước cái đẹp. Một khi tâm hồn biết rung cảm trước cái đẹp, người ta rất khó làm điều xấu. Để có được “thế hệ không giới hạn” nhất định phải có một môi trường giáo dục không giới hạn… nếu như DHA là để bồi bổ thể chất cho sự phát triển thông minh não bộ thì hội họa chính là chất “DHA nghệ thuật nuôi dưỡng môi trường phát triển trí tuệ thông minh bậc cao và tâm hồn tràn đầy mỹ cảm nhân văn.

  • Nghệ thuật nói chung trong đó có hội họa là môn học mà ở Việt Nam hiện nay giáo dục xem nhẹ. Trong khi lợi ích mà nó mang lại là rất lớn. Hội họa mang đến cho con người ta những khả năng mà các nhà lãnh đạo cần có. Nghệ thuật hội họa liên quan đến hình ảnh nên tư duy sáng tạo đến nhanh hơn cả bộ môn nghệ thuật khác. Khi học hội họa con người sẽ có được các kỹ năng: Tìm tòi (lắng nghe, học hỏi tri thức), phân tích, tổng hợp, phản biện, chắt lọc (tổng hợp, bao quát, kết luận, trừu tượng), đặt vấn đề, đề ra giải pháp hợp lý (sáng tạo – tư duy bậc cao nhất trong tháp tư duy về trí tuệ).
  • Nghệ thuật mang đến mỹ cảm sâu sắc, biết yêu cái đẹp thì đa phần phần trở nên thiện lương, giàu cảm xúc một cơ sở vững chắc để hình thành tư duy cảm xúc EQ – tố chất cần thiết của các nhà lãnh đạo. Những người nhiều cảm xúc luôn duy mỹ. Nếu hiểu về nghệ thuật chân chính, họ là người đồng cảm hành xử thấu tình đạt lý, thích lắng nghe phân tích. Người lãnh đạo khi đạt các khả năng ý trước, lại là người có cảm xúc duy mỹ thì chỉ số EQ rất cao và do đó trở thành người lãnh đạo tuyệt vời. Hãy mang lại kỹ năng cần thiết cho người đứng đầu thông qua hội họa.
  • Quan niệm về năng khiếu hội họa có gì đó cần nhìn nhận lại. Nên chia thành hai loại: một là thiên phú, hai là bình thường. Khác biệt giữa hai loại này nằm ở cấu tạo não bộ, cụ thể là phân khu não bộ vùng ghi nhận hình ảnh. Vùng này có thể phát triển từ đầu (nhóm thiên phú) hoặc sẽ được phát triển thông qua luyện tập (nhóm bình thường). Mặt khác, nhóm tài năng thiên phú thì lại có hòa sắc bị chi phối từ những giai điệu hòa sắc êm dịu, nhẹ nhàng. Trong khi những người bình thường lại ưa hòa sắc có nhịp điệu xung đột, tương phản, gay gắt, … hơn. Khoan đã nói cái nào là duy mỹ hơn. Sự duy mỹ hơn nằm ở chủ đề sáng tác, tính giai điệu phải phù hợp với chủ đề sáng tác mới trở nên duy mỹ. Chỉ biết rằng tính giai điệu của tác phẩm thuộc nhóm người thứ hai có khuynh hướng thậm xưng, trừu tượng, ấn tượng mạnh, … thể hiện lột tả mãnh liệt hơn, chủ đề mà họ xây dựng sáng tác hơn nhóm người thứ nhất.
    • Trong hội họa cổ điển, mỗi mảng hình đều giới hạn bằng một đường nét hoàn chỉnh. Vì vậy, những người có khả năng thuộc hình ảnh, tả thực tốt thì được xem là có năng khiếu. Họ được ưu ái đào tạo. Số còn lại thì không có sự ưu ái ấy và đa phần không được khuyến khích tiếp nhận và thể hiện hội họa.
    • Hội họa, về kiến thức có các mảng kiến thức cần nắm: tạo hình, màu sắc, ánh sáng, bố cục. Về trường phái hội họa thì có: cổ điển, ấn tượng, trừu tượng và các bộ môn biểu đạt, sắp đặt hình ảnh khác, … Như thế thì có thể thấy rõ, phần hình ảnh chỉ chiếm một phần trong tác phẩm hội họa mà thôi. Tùy vào trường phái biểu đạt mà hình ảnh là phần chính hay phụ, tả thực hay trừu tượng hình … Từ phân tích này chúng ta thấy hội họa nên dành cho tất cả mọi người.

      Bài học biểu đạt ấn tượng lớp Sóc Chuột
      Bài học biểu đạt ấn tượng lớp Sóc Chuột
  • Các họa sĩ lâu nay họ được đào tạo cổ điển, nhưng sau khi vào nghề, phần đa chọn các trường phái biểu đạt mà phần hình ảnh không nặng về tả thực. Mỹ thuật ứng dụng thì càng không dùng đến tả thực nhiều. Các tác phẩm tả thực, các yếu tố sáng tác phần nhiều nằm ở nội dung câu chuyện chủ đề. Trong khi các hình thức khác người họa sĩ sáng tác được rất nhiều không riêng gì ở cốt chuyện. Miễn là các tác phẩm bám vào cấu trúc hình trong thực tế là được. Về sau khi trừu tượng thịnh hành, cấu trúc hình cũng có khuynh hướng buông bỏ rời xa cấu trúc thực tế rất nhiều.
  • Hội họa nói riêng và mỹ thuật nói chung, như quả cầu đa diện nhiều mặt phát sáng lung linh. Mỗi một nghệ sĩ với cách thức biểu đạt khác nhau từ sở trường của mình, cống hiến cho xã hội những loại hình nghệ thuật hình ảnh duy mỹ, tương ứng với một mặt phát sáng nào đó của quả cầu đa diện này. Tại sao chúng ta cứ cố gắng trở thành một quả cầu rồi cũng chỉ phát sáng được một mặt mà thôi. Chúng ta có thể tiếp cận ngay đến các bề mặt mà mình thích, rèn luyện kỹ càng cho bề mặt đó phát sáng lên, mà không cần phải chui rúc vào bên trong quả cầu ấy làm gì. Hội họa nên bắt đầu như những gì vốn thuộc về nó, và hội họa không chỉ bắt đầu từ đường nét!
  • Thực trạng việc giáo dục hội họa ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập và tiêu chí đào tạo, xét công nhận chưa thật sự rõ ràng. Cái quan niệm về năng khiếu hội họa của Việt Nam cũng như đề cập bên trên, nhưng có phần khiên cưỡng hơn. Ví dụ một cậu bé vẽ không có chút tả thực nào liền bị chê thậm tệ. Vấn đề giáo dục tâm lý của Việt Nam còn chưa được đề cập sâu rộng. Một đứa bé sau khi bị chê sẽ đóng chặt cửa với hội họa và rất khó mở lại cánh cửa này. Một trong những thông điệp nên truyền tải cho chiến lược giảng dạy hội họa là: “Giáo dục hội họa nên bắt đầu từ những bài học khơi gợi cảm xúc với tâm lý cởi mở”.
  • Phương pháp giảng dạy hội họa hiện nay, nhìn chung vẫn rất lạc hậu, còn quá nhiều hạn chế. Vì không thể tả thực được, nên đa phần việc dạy vẽ cho các bạn là sao chép lại nét vẽ và sau đó tô màu, tệ hơn là vẫn duy trì hình thức dạy hội họa cũ là in hoặc vẽ phác nhẹ rồi cho học vẽ vẽ đè lên, sau đó tô màu. Việc này về hình thức thì rất mau lấy lòng được các phụ huynh . Vô tình lại rất cuốn hút với những người trọng về hình thức, thích được khen. Các trung tâm dạy vẽ theo đó vừa dễ dạy, vừa thu lại được lợi nhuận nhiều. Kết quả là các bạn nhỏ dần từ bỏ hội họa vì đến lúc va chạm với thực tế thì không thể biểu đạt được. Các trung tâm dạy vẽ rất loay hoay, đành phải chạy theo trào lưu này, dẫn đến học viên không còn sức hút sau một thời gian ngắn theo học. Một vài nơi khác lại quá trọng vào việc tả thực, kết quả là chỉ thu hút được số ít bạn trẻ có khả năng tả thực. Và rồi cũng phải chật vật vì doanh thu không đủ, họ co cụm lại nhỏ hơn ở các lớp dạy kèm, …
Các tác phẩm ký họa cảnh công viên của nhóm học viên lớp Sóc Chuột - The R'art school
Các tác phẩm ký họa cảnh công viên của nhóm học viên lớp Sóc Chuột – The R’art school

Chúng ta cùng quan sát một hiện tượng vấn đề sau. Hai người vẽ một người đàn ông khốn khổ. Người thứ nhất muốn tả thực tất cả những hình ảnh của người đàn ông. Người thứ hai, những gì giống với người thường họ chỉ khơi gợi, những gì thể hiện sự khốn đốn họ tập trung lột tả theo cách ấn tượng. Hình ảnh thể hiện có sự tương phản cao, càng làm sự khốn đốn trở nên thậm tệ hơn, người xem ghi nhớ hơn vì ấn tượng nó để lại. Trong khi người thứ nhất thể hiện rất đẹp, đẹp đến từng chi tiết, nhưng không biết khai thác yếu tố tương phản, xung đột hình ảnh, nó có thể không để lại chút ấn tượng gì cho người xem. Chưa chắc gì tả thực mang lại yếu tố cảm xúc cao nhất. Quá nhiều cái hoàn hảo trong một bức vẽ sẽ không để lại ấn tượng gì. Như vậy khả năng nắm bắt cảm xúc, chủ đề từ cái đẹp mới là quan trọng.

  • Đối với các bạn nhỏ, chúng ta không quá chú trọng vào đường nét duy mỹ, mà dạy cho các bạn về màu sắc, ánh sáng, bố cục chắc rằng ai cũng sẽ hiểu. Các mảng hình để biểu đạt ba yếu tố kể trên chúng ta có thể cho các bạn quan sát thực tế và đưa vào cách thức vạt mảng hình từ mảng hình cơ bản (vuông, tròn, tam giác, đa giác, cong mềm, …) để xây dựng nên các vật thể quan sát được từ mảng tổng thể, đến mảng cấu trúc và mảng chi tiết. Và nữa hãy lồng vào các câu chuyện từ thực tế, ở các bộ môn văn học, lịch sử, … để các bạn thể hiện hình thành tư duy sáng tác. Chúng ta phải kiên quyết nói không với việc sao chép tranh để hình thành nên tác phẩm của mình.
    Hình thành thói quen quan sát và thể hiện. Một thông điệp nên được đưa ra, gởi đến phụ huynh nên được trao đi : “Biết cách quan sát, bạn sẽ vẽ nên mọi hình ảnh”.
  • Cũng tại vấn đề này còn có vấn đề nhỏ kèm theo. Hiện nay việc thưởng thức, cảm thụ hội họa của Việt Nam ta còn rất kém. Đó là hệ quả của chương trình giáo dục phổ thông còn đang xem nhẹ, hoặc bất cập cho bộ môn này. Đứng trước tác phẩm hội họa, họ không dám đưa ra ý kiến chủ quan nào cả. Họ vin chặt vào câu nói, trong nghệ thuật thì không có đẹp và xấu … đại loại thế. Câu nói này chính xác nếu bạn chú ý đến từ nghệ thuật trước đó. Rất đúng, đẹp và xấu thì không thể nói, nhưng phải là tác phẩm mang yếu tố hình thức nghệ thuật mới được phép ví von như thế. Từ cái đẹp trong tự nhiên, cái đẹp đại chúng có khoảng cách rất xa mới được xếp vào hình thức nghệ thuật. Nó phải đảm bảo các yếu tố thuộc về nghệ thuật thị giác : Hình ảnh, hòa sắc, bố cục và ánh sáng.
Tác phẩm sáng tác của học viên Khánh Linh - The R'art school
Tác phẩm sáng tác của học viên Khánh Linh – The R’art school

Theo lẽ thường có yêu thích thì sẽ tự tìm hiểu, rồi tự tìm hiểu thì sẽ thêm yêu quý hoặc chí ít cũng biết cách trân quý tác phẩm nghệ thuật và tôn trọng người làm nghệ thuật. Ở Việt Nam, tác giả và tác phẩm thường trở nên dị biệt, tách rời khỏi đời sống. Bức tranh treo trang trí trong nhà đa phần là những bức tranh phong cảnh, tranh chép từ các tác phẩm đã có tiếng. Trông các bức tranh này mà buồn cho nền nghệ thuật hội họa nước nhà. Trong khi các tác phẩm mang tính hội họa cao thì không được ai đón nhận. Họ càng trở nên dị biệt, trôi nổi cả đời sống tinh thần và giá trị nhân sinh. Họ né tránh mọi người và mọi người né tránh họ. Vấn đề nằm ở đâu, chắc có thể chúng ta cũng đã rõ. Đã đến lúc nên xây dựng một mặt bằng văn hóa chung về cảm thụ hội họa. Thông điệp tại đây sẽ là gì nhỉ? Có lẽ không gì nhẹ nhàng, tích cực hơn nhằm tránh hằn học với thực trạng nền nghệ thuật hiện nay bằng câu nói này: ”Không nhất thiết phải tạo ra cái đẹp, nhưng nhất định phải hiểu để trân quý nó”.

  • Một vài người cho rằng, tư duy sáng tạo là do thiên phú. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ khác. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp, phụ huynh khoe rằng con họ vẽ rất đẹp, con họ có trí tưởng tượng rất độc đáo, có cách vẽ rất khác biệt, … Lòng không vui mấy. Không vui vì sao, vì chỉ đúng ở góc độ khả năng và hiện tượng mà thôi. Tất cả các khả năng này có được nuôi dưỡng, tất cả các hiện tượng này có được khuyến khích để thành sáng tạo hay không, còn phụ thuộc vào môi trường. Môi trường như thế nào là cần thiết. Môi trường ấy phải cho các bạn thấy rằng việc gắn kết các khả năng của bạn ấy với nó sẽ trở nên hữu dụng. Đấy gọi là tư duy sáng tạo. Một sáng tạo trở nên hữu ích thì người làm sáng tạo mới có hứng thú. Muốn hữu ích phải nghĩ đến không gian chứa đựng sáng tạo của mình. Tôi lấy ví dụ thuần túy về hội họa để dễ hiểu. Một đám nhỏ chơi đùa và một em bé nghèo khổ, ngữ cảnh diễn tả nội dung là một đêm Noel. Ngữ cảnh tâm lý là miêu tả sinh hoạt gì? Có hai hình thức sáng tác ngữ cảnh tâm lý. Em bé nghèo khổ chơi đùa cùng các bạn nhỏ, là miêu tả sự chia sẻ yêu thương. Còn nếu, em bé nghèo khổ ấy đang ngồi thu lu một góc tối, nhìn đàn trẻ chơi đùa, ấy chắc hẳn miêu tả một tâm lý tiêu cực rồi. Ngữ cảnh nội dung là đêm Noel để đẩy ngữ cảnh tâm lý lên một cao trào đỉnh điểm. Rõ ràng trong sáng tác cần phải rèn luyện, cái khả năng cần phải rèn luyện để sáng tác trở nên toàn diện hơn, cảm xúc kịch tính hơn mà không xa rời thực tế. Hãy hướng ánh mắt người xem theo hành trình cảm xúc của người họa sĩ; Hội họa cũng chỉ là phương tiện giao tiếp, hãy để lại điều muốn nói.
  • Chúng ta cứ loay hoay không biết truyền đạt kiến thức hội họa chân chính như thế nào cho các bạn nhỏ. Chúng ta phải dạy chúng nắm bắt từ những hiện tượng và nhẹ nhàng đưa kiến thức vào với lượng kiến thức vừa đủ, trực quan sinh động dưới góc độ khám phá, phù hợp với các giác quan nguyên sơ và tâm lý lứa tuổi. Đừng truyền đạt một cách hàn lâm, vượt quá khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ, nếu không càng làm trẻ xa lánh và từ chối tiếp nhận. Cánh cửa hội họa sẽ đóng chặt lại và bạn sẽ rất ít cơ hội để mở nó ra một lần nữa. Và chúng ta lại kết luận, đứa bé hoàn toàn không có năng khiếu hội họa. “Đói thì ăn, khát thì uống, ăn uống ngon miệng thì đòi tiếp. Ăn uống hợp lý thì cơ thể sẽ tráng kiện”. Bổn phận chúng ta là phải làm cho các bạn cảm thấy đói kiến thức và thèm được “ăn, uống”. Tất nhiên, chúng ta không được phép làm chúng béo phì kiến thức. Béo phì thì vô dụng và nguy hiểm. Hãy cho chúng biết mỹ thuật hội họa có từ cuộc sống. “Cái hài hòa, thuận mắt, ưa nhìn lại là khoa học” .

Cách đặt vấn đề với giáo dục hội họa cho trẻ em, được chúng tôi đề ra ở trên, đều phù hợp với tâm lý giáo dục cho trẻ em. Vấn đề tâm lý và giáo dục hội họa đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng song song với các đặt vấn đề ở trên. Nó được chúng tôi lập luận rõ ràng trong bài viết Sự phát triển tâm lý của trẻ thông qua hội họa, các bạn hãy cùng chúng tôi đọc và thảo luận tất cả. Không gì khác hơn với mong muốn mang lại sự đổi mới hữu ích cho giáo dục hội họa nói riêng và giáo dục nói chung. Vì một Việt Nam tốt hơn!

Hoạt động tìm hiểu về bố cục của học viên The R'art school
Hoạt động tìm hiểu về bố cục của học viên The R’art school

3. Giáo dục hội họa nên áp dụng theo tâm lý giáo dục từng lứa tuổi của trẻ em.

Thật kỳ là khi đứa bé vẽ tranh, thực hành hội họa về một sự vật nào đó, chúng thường kiểm soát với tư duy tượng trưng hoàn toàn bằng cảm xúc về mọi hình ảnh của mình. Không có một giới hạn nào về tâm lý trong tranh của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như chúng có thể vẽ một ngôi nhà nhìn từ bên ngoài, nhưng có đầy đủ gia đình và vật dụng bên trong, ngôi nhà trở nên trong suốt. Sự phát triển nghệ thuật của trẻ là rất sáng tạo và theo một cách nào đó, tranh của chúng trong rất giống tranh của của các họa sĩ hiện đại. Có “đứa trẻ” bên trong những nghệ sĩ lớn.

Quá trình tạo ra một sản phẩm nghệ thuật đòi hỏi nhiều hơn những yếu tố xử lý nhận thức và vận động đơn giản. Cơ sở của việc sử dụng hội họa là quan điểm “các thành phần cảm xúc và giao tiếp được đưa vào bức vẽ”. Một số nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh rằng tính cách và trạng thái tinh thần của trẻ tại thời điểm đó có thể được hiểu dựa trên những bức vẽ của trẻ, nó thể hiện một số ý nghĩa đối với trẻ. Có một số thay đổi diễn ra trong quá trình “hoạt động” nghệ thuật của trẻ (cũng giống như sự phát triển thể chất và tinh thần). Những nét vẽ nguệch ngoạc có phần vô nghĩa của trẻ em lúc đầu sẽ phát triển thành một giai đoạn nghệ thuật và tiếp tục cho đến tuổi thiếu niên. Các hình vẽ có chi tiết trong tranh của trẻ tăng lên tùy theo độ tuổi và sự phát triển nhận thức của trẻ. Người ta đã xác định rằng, khi được yêu cầu vẽ một bức tranh về một người, trẻ em ở độ tuổi lớn hơn và bé gái sử dụng nhiều chi tiết hơn trong bức tranh mà chúng vẽ so với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn và bé trai. Sự hình thành năng lực nghệ thuật là một cách tự nhiên.

3.1. Giai đoạn 2-4 tuổi, mầm non.

Đây là giai đoạn mắt và tay chưa phối hợp hoàn toàn với nhau, hình vẽ không hướng tới một đồ vật hay ý tưởng đặc biệt nào. Đây là giai đoạn mà sự phối hợp cơ bắp phát triển và trẻ cố gắng thực hiện các hoạt động của tay và mắt phù hợp với nhau. Trẻ “nguệch ngoạc” với mọi thứ trên giấy. Và chúng ta làm được gì cho trẻ lúc này bây giờ? Hãy giải thích bằng lời nói cho trẻ về những đường nét trẻ vẽ ra: đường thẳng, đường gẫy khúc, đường cong, hình tròn, hình tam giác, chữ nhật, … So sánh bằng và lớn – nhỏ hơn. Hãy chỉ cho chúng mối tương quan, hoặc quan hệ với trực giác giữa những đường nét nguệch ngoạc chúng vẽ và những nhóm hìm trên, hoặc sự vật trong thực tế, trò chuyện và trò chuyện, đừng thúc ép phải thực hiện vẽ. Chỉ bằng cách trò chuyện với những gì chúng làm, cảm xúc của chúng mới khuyến khích chúng giao tiếp bằng hình ảnh. Hãy cho chúng thấy hình ảnh giao tiếp cũng giống như giao tiếp bằng giọng nói và chữ viết. Gần đến giai đoạn 4 tuổi, bạn phải giúp các bạn ấy phân biệt thêm về vị trí của các vật thể trong không gian: trước – sau, trên – dưới, lơ lửng – đậu trên, bay – đậu, … Hiểu thêm về sự vật có tồn tại nhưng bị che khuất che khuất bởi một lớp vật chất phía trước. Tất cả những điều này được trò chuyện với thực tế và với nhóm hình mà chúng “nguệch ngoạc” ra giấy.

Tác phẩm của học viên Khoai - lớp Sóc Nhí
Tác phẩm của học viên Khoai – lớp Sóc Nhí

Về việc trao đổi với cảm xúc, bạn hãy cùng các bạn nhỏ đọc truyện tranh. Bạn đọc to rõ, kèm với cảm xúc giọng nói đúng trong từng hoàn cảnh nhân vật, trong khi tay chỉ về những sự vật liên quan trong tranh của truyện. Hãy đọc bằng giọng của bạn, cảm xúc của bạn cho việc dẫn dắt câu chuyện hơn là giọng giả thanh. Đừng giả thanh thành tiếng trẻ em, trừ khi nhân vật đó là trẻ em. Nếu phải giả thanh thì giả thanh theo nhân vật trong truyện để tăng sự hứng thú cần thiết theo cảm xúc từ việc hoạt hình hóa. Sau vài lần như thế, điều kỳ diệu là các bạn nhỏ có thể kể lại câu chuyện giống như lời văn, đối thoại in trong sách mặc dù các bạn không hề được học chữ. Trí tuệ thông minh, cảm xúc đã được hình thành thông qua hình ảnh. Đa dạng thể loại truyện tranh là điều cần thiết lúc này. Có giấc mơ nào được hình thành từ chữ đâu, chỉ toàn là hình ảnh mà thôi! Khả năng kể về giấc mơ của mình một cách mạch lạc hay không là do sự trò chuyện của bạn với chúng. Đừng giả thanh, uốn éo giọng nói, bóp dẹt giọng kể thành một đứa trẻ. Bạn sẽ làm đứa trẻ trở nên thiếu tự tin khi phải nói đấy! Tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm với những gì kệch cỡm, trái với tự nhiên. Hãy trò chuyện bằng giọng nói chính bạn, với cảm xúc chân thật, nhẹ nhàng.

Về màu sắc, cho trẻ tiếp xúc nhiều với nó càng nhiều càng tốt. Đa dạng màu sắc, đa dạng về sự thay đổi của màu sắc. Tất nhiên đừng quá rạch ròi về sắc thái và sắc độ. Sự lung linh của màu sắc là điều cần để trẻ cảm nhận. Các gam màu nóng – lạnh nói lên cảm xúc, để cân bằng hãy để các bạn tiếp xúc với màu một cách đa dạng. Trí tuệ thông minh và cảm xúc sẽ phát triển cân bằng. Các bạn có thể đọc thêm tại Tranh vẽ, hội họa với sự phát triển và tâm lý giáo dục của trẻ để biết thêm rằng hội họa với tâm lý trị liệu là như thế nào.

Tóm lại, giai đoạn này bạn chỉ cần làm là trò chuyện và trò chuyện. Trò chuyện với những gì trẻ tạo ra, với những gì chúng quan sát được. Cố gắng giải thích những gì mà ánh mắt trẻ trao đổi cảm xúc với trẻ. Đừng chờ các bạn ấy hỏi, hãy cảm nhận thông qua ánh mắt. Tập quan sát, tập thể hiện, tập nói là những giao tiếp mang tính tương quan trong giai đoạn này.

3.2. Giai đoạn 5-7 tuổi, mầm non và đầu tiểu học.

Với tư duy tượng trưng, ​​nhìn và phân loại các mối quan hệ. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu coi mình là một phần của môi trường và thiết lập sự đồng nhất với các đồ vật và con người trong môi trường đó. Trẻ bắt đầu khám phá mối quan hệ giữa suy nghĩ và hiện thực bằng cách vẽ tranh. Khả năng não bộ điều khiển và kiểm soát sẽ tốt hơn khi vào 6 tuổi. Chủ đề bất tận mà các em thường muốn biểu đạt là về gia đình, về cái tôi của các em được gắn kết với xung quanh. Có cả tình yêu thương, và có cả những điều ghét bỏ trong mỗi bức tranh hội họa trẻ thơ. Bức tranh sẽ kể nhiều hơn là biểu đạt bằng nghệ thuật hội họa. Đây là nhược điểm, vì nếu không biết cách để đạt được tính hội họa cao hơn, các em sẽ dừng lại vì vẽ tranh sẽ khó khăn giao tiếp hơn so với nói và viết. Chưa có quy luật hình học, không gian thuộc về hội họa nào ảnh hưởng trong biểu đạt của các em. Nhưng nó dường như trong giống với những tác phẩm của các nghệ sĩ trừu tượng.

Tác phẩm của học viên Tuệ Quyên - lớp Đom đóm xanh 

Tác phẩm Chú cáo tinh nghịch của học viên Nhã Vy – lớp Sóc Chuột 2

Có sự khác biệt nhỏ nhưng không phải là tâm lý mà là độ khéo tay và kiểm soát từ não bộ. Trẻ em từ 5-6 và 6-7 có sự khác biệt này. Có thể có sự khác nhau về độ chi tiết trong các bức tranh, trên 6 tuổi bức tranh có nhiều chi tiết tốt hơn. Nhưng không phải dưới 6 tuổi là không chi tiết hóa được, do các bạn ngại vẽ vì khó điều khiển độ khéo léo nên dễ từ bỏ. Trẻ em, rất sợ và mặc cảm với cái mình làm không hay, không tốt. Chủ nghĩa hiện thực ngẫu nhiên vẫn còn trong mọi biểu đạt hội họa của các em.

3.2.1. Từ 5-6 tuổi, mầm non và đầu tiểu học.

Các bạn học viên nhỏ tuổi mà phụ huynh mong mỏi sẽ là những người có khả năng toàn diện, một thế hệ được thụ hưởng từ nền giáo dục mở (không giới hạn), một thế hệ dẫn đầu với tư duy sáng tạo đa dạng. Tùy vào khả năng của họ mà chúng ta cung cấp những khóa học phù hợp, hướng họ xây dựng cho mình cái điều họ muốn hướng tới. Chúng ta sẽ đề ra một lời tuyên bố chung cho tất cả trường hợp này: “Vẽ từ trái tim”.

Những trẻ em độ tuổi mẫu giáo, độ tuổi hồn nhiên vô tư, chưa biết chữ. Độ tuổi này khám phá thế giới thông qua hình ảnh. Các bạn học rất nhanh nếu kết hợp tốt giữa vận động và tri thức, giữa hình ảnh và màu sắc. Các bạn rất muốn học hỏi từ thế giới xung quanh. Hãy giúp các bạn có tư duy nắm bắt các đặc điểm riêng thông qua việc tạo mảng hình bằng các chất liệu hỗn hợp. Các bạn sẵn sàng học miễn là vui vẻ, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Màu sắc kết hợp với các mảng hình phân biệt vật thể. Các bài học về màu sắc, mảng hình cơ bản, so sánh, phối hợp, phía trước, phía sau, bên trong, bên ngoài, phía trên, phía dưới, lơ lửng, đậu trên cây, bay trong không trung, đứng trên mặt đất … tất cả thông qua hội họa mà học hỏi khám phá. Mục đích để các bạn có thể tưởng tượng, quan sát, phát triển não bộ một cách toàn vẹn nhất.

Đừng chỉ cho các bạn tô màu dựa trên hình ảnh tạo bởi đường nét bao chung quanh. Điều đó chỉ giúp các bé về màu sắc và độ khéo tay. Nó là chưa đủ. Gặp những bé trai hiếu động thì phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng. Các bạn này sẽ chọn những môn học khác.

Tác phẩm của học viên Huy Lâm – lớp Đom Đóm Lạ

“Tô các mảng màu với các bạn nhỏ là chưa đủ, tạo ra nó mới là điều thật sự cần thiết”

  • Cứ mỗi mảng hình là một mảng màu. Thay đổi mảng hình là thay đổi mảng màu. Do đó, một vật thể sinh động giúp các bạn phân biệt cấu tạo chi tiết của vật thể.
  • Tạo hình thông qua mọi chất liệu, từ các hình cơ bản tạo ra các con vật, sự vật.
  • Tập các bạn quan sát các yếu tố không gian: trước – sau; trên – dưới; to – nhỏ; bay – đậu; dưới nước – trên bờ …
  • Tạo một tập truyện tranh ngộ nghĩnh, nghệch ngoặc đáng yêu.
  • Tạo hình biếm họa từ các đặc điểm riêng của sự vật.
  • Không nhật thiết phải tô màu, đồ theo nét một cách nhàm chán. Hãy thay bằng các bài học khác, các bạn vẽ vào phần còn thiếu, ghép chồng lớp các hình cơ bản để tạo ra sự vật có tính hình khối, tạo hình bằng đết sét Nhật bản và truyền thống, thủ công, tranh đa chất liệu, …

3.2.2. Từ 6-7 tuổi, tiểu học.

Là những bạn ở độ tuổi tiểu học, thích vẽ, hoặc phụ huynh mong muốn con họ có thêm mảng sinh hoạt hữu ích, xa rời các thiết bị điện tử. Họ thật sự hiểu biết về giáo dục mở, họ xác định việc giáo dục hội họa cho trẻ là hết sức quan trọng.

Vấn đề gặp phải là các bạn vẽ theo bản năng tâm lý lứa tuổi. Phụ huynh và các bạn bị quan niệm xưa cũ trói buộc: mảng hình được giới hạn bằng những đường nét hoàn chỉnh. Đa phần đều chưa có khả năng tả thực. Số ít thì bị ảnh hưởng bởi đồ họa, minh họa, hoạt hình, truyện tranh chi phối. Các bạn bị sa vào và bị giới hạn đóng khung trí tưởng tượng. Các bạn biểu đạt vật thể gì cũng theo một hình thức mà thôi. Hoặc các sáng tác của bạn đều không đề cập đến ngữ cảnh. Câu chuyện thì xa rời thực tế và mất tính nhân văn … Thử điểm qua các cuộc thi trẻ em, các bức tranh đoạt giải đều rất khô khan, ý nghĩa thường không xuất phát từ cảm xúc chân thật.

Đừng nên chọn cách dạy vẽ sao chép theo mẫu tranh, vẽ theo đường nét phác sẵn … Đừng làm vậy chỉ để dễ dạy, và dễ được phụ huynh khen ngợi vì “sản phẩm” sẽ hoàn thành kịp lúc. Phụ huynh sẽ nhầm con mình có khả năng vẽ được nhưng thực tế chúng không thể vẽ được bất cứ cái gì theo ý chúng cả. Hoặc các khả năng khác chưa được đánh thức, rèn luyện một cách cần thiết, đồng hành và bổ trợ cho nhau. Các bạn chỉ là chưa biết cách quan sát và biểu đạt.

Tác phẩm của học viên Phương Vy - lớp Sóc Chuột 3
Tác phẩm của học viên Phương Vy – lớp Sóc Chuột 3

“Hội họa không chỉ bắt đầu từ đường nét”

  • Cần phụ huynh hỗ trợ hợp tác. Tập trung đào tạo theo hướng tích cực và khả năng sáng tác từ những bộ môn văn học, lịch sử.
  • Làm quen với phương pháp trực quan sa bàn sáng tác có ngữ cảnh, cốt truyện. Vẽ trực quan.
  • Biết cách quan sát vật thể ở xa gần. Làm quen với những sự vật thuộc chủ đề, và bao cảnh. Phải có bài thu hoạch sáng tác dựa trên câu chuyện chủ đề rõ ràng và xây dựng từ đó.
  • Phải xây dựng phương pháp vạt mảng hình quy từ những hình cơ bản.
  • Trong đại đa số trường hợp, màu sắc bức tranh quyết định bởi ngữ cảnh. Dùng màu chủ đạo và trung gian, cân bằng màu nhấn.
  • Quan sát vật thể từ nhiều hướng đối với một mẫu vật. Quan sát xa gần, trước sau, trên dưới, to nhỏ, … tất cả đều từ quan sát qua sa bàn.

Các thông điệp giáo dục hội họa lúc này nên là:

  • Cùng hội họa đánh thức cảm xúc.
  • Biết cách quan sát, bạn sẽ vẽ nên mọi hình ảnh.
  • Thay đổi góc nhìn thay đổi điều cảm nhận.
  • Thêm không gian, thêm cảnh sắc, thêm những điều diễn đạt.
  • Thay đổi hòa sắc, thay đổi cảm xúc.
  • Sáng tác, đừng quên ngữ cảnh.

3.3. Giai đoạn từ 7-9 tuổi, tiểu học.

Trẻ bắt đầu có quan điểm riêng về con người và môi trường, theo sở thích của chúng. Vì vậy, có rất nhiều bức tranh khác nhau về con người. Những phần cơ thể không quan trọng đối với trẻ có thể không được vẽ chút nào. Hơn nữa, khi lên 7 tuổi, trẻ có thể vẽ những đồ vật ở xa nhỏ và những đồ vật ở gần lớn hơn. Trong tranh của trẻ em ở độ tuổi này có một khuôn mẫu nhất định về quan hệ không gian. Trẻ bắt đầu nhận thức được mình là một phần của môi trường.

Các bạn ở giai đoạn này thường pha màu theo cảm tính, hoặc tiếp thu cách thức pha màu có phần máy móc, khô cứng từ cổ điển. Có lẽ đa phần không hiểu hòa sắc có do đâu? Không rõ điểm khởi đầu, không tạo được hòa sắc và sáng tạo theo cách riêng. Thử hỏi không có ánh sáng, chỉ toàn bóng đêm chúng ta có thấy được màu sắc hay không. Không hiểu bản chất không thể chủ động, và không thể sáng tạo.

Cái gốc của hòa sắc nó nằm ở màu xám. Màu xám này đừng nhầm lẫn với màu trắng pha với đen. Màu xám từ màu trắng pha với đen là màu xám của thang sắc độ. Trong khi màu xám từ cặp màu tương phản lại là màu trung tính do biến sắc, bù màu.

Và nữa, cái tính không gian của vật thể nó phản ánh thông qua bề mặt nhận sáng. Não bộ con người quen với như vậy. Một mảng hình đồng màu là một mảng hình phẳng. Một vật thể đồng màu có nhiều mảng hình xoay nhiều góc độ dĩ nhiên sẽ có nhiều mảng màu. Tất cả chúng ta phải dùng hiện tượng trực quan và tiến hành phân tích. Đừng dùng những ngôn từ hàn lâm để giải thích, lúc này sẽ vượt quá khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ.

Cứ mỗi lần sáng tác các bạn rất mất thời gian để tìm tư liệu dựng hình. Các tư liệu thì chẳng tuân theo cái bố cục ưng ý của chủ đề. Có lẽ lúc này, việc sao chép một ý tưởng nào đó (hay dùng tham khảo như là một cứu cánh) lại là một việc làm thuận tiện chăng? Đừng lựa chọn cách làm này, hãy dạy chút ít về bố cục tạo hình vật thể như ý muốn để đưa giai điệu cảm xúc đi khắp bề mặt tranh, tác phẩm hội họa.

Tác phẩm của học viên Tuệ Quyên - lớp Đom đóm xanh 
Tác phẩm của học viên Tuệ Quyên – lớp Đom đóm xanh

“Ánh sáng, người thầy dẫn dắt nghệ thuật hình ảnh”

  • Dùng ánh sáng với các hướng sáng khác nhau. Chắt lọc, sáng tạo các bố cục mảng hình dựa theo hướng sáng.
  • Hòa sắc theo nguyên lý ánh sáng với sắc độ có thể giải quyết để cân bằng các mảng màu.
  • Phối cảnh hình và hướng sáng.
  • Hòa sắc có kể đến ánh sáng, màu trung tính, màu xám – trắng. Màu trong tối, ngoài sáng. Màu không có thuần khiết, chỉ có ánh sáng là thuần khiết.
  • Không có màu trắng và đen thuần khiết.
  • Hướng sáng và bóng đổ.
  • Tán xạ ánh sáng, tán xạ màu, hắt sáng, nguồn sáng phụ.
  • Ký họa, cách thức vẽ nhanh một vật thể quan sát. Tạo nguồn tư liệu quý giá để hình thành tác phẩm về sau nâng cao khả năng dựng hình, tìm bố cục.

Các thông điệp giáo dục hội họa lúc này nên là:

  • Hiểu về ánh sáng, làm chủ hòa sắc và pha màu.
  • Hướng ánh sáng theo ánh nhìn cảm xúc của người họa sĩ.
  • Bóng tối là để che đậy, nhưng thấy rõ điều gì đó trong bóng tối thì lại là chân thật.
  • Ánh sáng là để phơi bày, nhưng không còn thấy được gì trong ánh sáng tức là đang che đậy.
  • Hãy thử dùng sắc độ thay đổi mảng màu trước khi quyết định dùng một màu khác.
  • Sắc độ làm các mảng hình liên kết lại với nhau mà vẫn thể hiện được chi tiết của nó.
  • Ký họa, không chỉ là vẽ nhanh …

3.4. Giai đoạn từ 9-12 tuổi, cuối những năm tiểu học.

Trong giai đoạn này, trẻ đang trong giai đoạn quan trọng về phát triển thể chất và tâm lý. Chúng tiếp cận việc vẽ với sự hiểu biết thực tế. Người ta quan sát thấy sự khác biệt giữa các bức tranh do con trai và con gái vẽ. Các bé gái có xu hướng vẽ tranh về trẻ nhỏ và váy áo trong khi các bé trai có xu hướng vẽ tranh về máy bay, ô tô, v.v…

Trẻ so sánh bức vẽ mình đã vẽ với thực tế trong tự nhiên và muốn vẽ giống hệt nó. Tuy nhiên, trẻ có thể cảm thấy tuyệt vọng khi không làm được điều đó. Đây có thể ví von như là hội họa với chủ nghĩa hiện thực cho giai đoạn này. Nhìn chung giai đoạn này, phần nào hành thành nên tính cách của trẻ. Hướng nội và hướng ngoại là hai xu hướng tâm lý phân tách rõ ràng hơn. Từ đó sẽ dẫn đến các bạn có khuynh hướng hội họa khác nhau, sở thích biểu đạt khác nhau. Chính vì thế chúng ta phải giáo dục hội họa dưới góc độ cảm thụ hội họa.

Tác phẩm của học viên Khánh Tiên - lớp Đom đóm xanh
Tác phẩm của học viên Khánh Tiên – lớp Đom đóm xanh

“Chuyển động của sự tĩnh lặng – Cái kỳ diệu của hội họa lại là giai điệu mà nó mang lại

  • Cẩn thận với việc kìm hãm khả năng sáng tạo của trẻ bằng cách rèn luyện mang tính học thuật cao.
  • Triển lãm các tác phẩm của học sinh để khuyến khích sự tự tin của các em.
  • Giới thiệu lịch sử nghệ thuật với nghệ thuật hiện đại mà không phải qua các tác phẩm của những bậc thầy.
  • Thực hành để trau dồi tư duy sáng tạo chứ không phải trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
  • Cách điệu. Làm quen với các trường phái hội họa.
  • Thực hành với các hình thức biểu đạt hội họa với nhiều chất liệu phù hợp.
  • Các biểu đạt của các bạn mới dừng lại ở góc độ cá nhân (tác phẩm nhỏ). Các bạn còn thiếu : bố cục, kỹ năng hình họa tối thiểu để vẽ đặc tả.
  • Phải làm rõ yếu tố sáng tạo trong tác phẩm hội họa đến từ đâu. Nó có thể đến từ tri thức và từ hiệu ứng biểu đạt (bút pháp) của người họa sĩ.
  • Vấn đề nằm ở tất cả những gì bạn trải nghiệm. Hình thức biểu đạt là do người nghệ sĩ chọn lựa. Đến lúc này, cách biểu đạt của bạn đã dần hình thành tác phẩm mang tính hội họa rồi, vấn đề chỉ còn là “thời gian cho đam mê”.

Các thông điệp giáo dục hội họa lúc này nên là:

  • Ấn tượng trên từng nét cọ.
  • Trừu tượng, chưa hẳn là cái tôi quá lớn.
  • Hình họa, sự trưởng thành của người nghệ sĩ.
  • Bố cục, cảm xúc của người nghệ sĩ.
  • Cái kỳ diệu của hội họa lại là giai điệu mà nó mang lại.

3.5. Giai đoạn từ 12-14 tuổi, trung học cơ sở.

Hầu hết người lớn không thể đạt đến giai đoạn này, bởi vì ở giai đoạn trước, đứa trẻ nghĩ rằng mình không thể vẽ được hiện thực như thực tế sẽ chìm vào tuyệt vọng và bỏ vẽ. Tuy nhiên, trong tranh của trẻ em tiếp tục vẽ tranh khi ở độ tuổi 13-14, người ta nhận thấy rằng phối cảnh được sử dụng một cách đầy đủ và hiệu quả. Chi tiết trong tranh ngày càng tăng. Màu sắc và hoa văn được nhấn mạnh nhiều hơn. Chúng bắt đầu tạo ra những hình ảnh trừu tượng theo cảm xúc. Đây là giai đoạn gọi là chủ nghĩa tự nhiên.

Những học viên này mong muốn trải nghiệm hội họa thường xuyên như là đam mê. Trong số này chia ra nhiều loại. Có bạn đầy đam mê, tò mò muốn thử thách bản thân hơn nữa, có bạn yêu hội họa nhưng lại muốn tìm kiếm cơ hội ở một số lĩnh vực tư duy khác. Cũng có bạn muốn tiếp xúc với một hình thức biểu đạt hay chất liệu cụ thể nào đó mà không muốn theo đuổi một lộ trình dài theo chương trình chính cốt lõi nâng cao hơn về hình thức nghệ thuật.

Tác phẩm của học viên Thanh Hà - lớp Chuồn chuồn ớt
Tác phẩm của học viên Thanh Hà – lớp Chuồn chuồn ớt

“Từng bước biểu đạt nghệ thuật theo hình thức mong muốn”

  • Chúng ta hãy cho các bạn thực hành ký họa, hội họa không màu để có thêm những tư liệu sáng tác và từng bước tiếp thu kiến thức về hình họa.
  • Nền tảng của hội họa là hình họa.
  • Tư duy hình họa trong biểu đạt hội họa có màu.
  • Tập quen dần các yếu tố thuộc về “vẽ đẹp” để có thể thực hành hội họa và nâng nó lên thành tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ nền tảng về hình thức nghệ thuật thị giác.

“Vạt mảng, nhận khối, giữ ánh sáng đi kèm, bước đầu đón nhận hình thức nghệ thuật”

Tác phẩm của học viên Khánh Ngọc - lớp Tắc Kè Hoa
Tác phẩm của học viên Khánh Ngọc – lớp Tắc Kè Hoa

4. Tổng kết.

Qua cách thức đặt vấn đề này, chúng tôi tin rằng có thể tạo ra những chương trình giáo dục hội họa phù hợp với khả năng và tâm lý giáo dục cho từng lứa tuổi. Chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề về giáo dục hội họa mang lại cho đời sống, cho tư duy trí tuệ con người, cho tư duy cảm xúc và cho cảm thụ nghệ thuật thị giác. Một yếu tố khác mà tôi đề cập đến ở đây, ngay trong phần tổng kết nhằm nhấn mạnh đến khả năng mà giáo dục hội họa có thể hình thành nên kỹ năng cần thiết cho những người lãnh đạo. Để thực hành biểu đạt hội họa và có tác phẩm tốt, bạn phải tìm tòi, phân tích, phản biện, tổng hợp và chắt lọc để sáng tạo. Đó cũng là những kỹ năng cần thiết của người lãnh đạo bắt buộc phải rèn luyện để trở nên thành công. Đừng nghĩ học hội họa để trở thành nghệ sĩ, họa sĩ, … thuộc nghệ thuật, mà hãy học nó để rèn luyện tư duy sáng tạo, đỉnh của tháp tư duy trí tuệ thông minh. Nó rất phù hợp đem vào giảng dạy cho trẻ em từ sớm.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận