Giáo dục hội họa

đối với tư duy trí tuệ thông minh (IQ) & cảm xúc (EQ)

“Hội họa như là liều “DHA” hoàn hảo
để bồi bổ cho trí tuệ tư duy thông minh và trí tuệ cảm xúc của trẻ em”

 

1. Phân biệt giữa trí tuệ thông minh và cảm xúc
dựa theo các nghiên cứu chính thức

Thời gian gần đây, người ta đề cập đến chỉ số trí tuệ thông minh (IQ) và trí tuệ cảm xúc (EQ) như là một điều gì đó cần thiết đối với con người. Các nghiên cứu thực hiện rất nhiều để nhằm can thiệp, hay tác động đến sự phát triển con người, đặc biệt là trẻ em nhằm nâng cao khả năng, tiềm năng của con người hướng đến đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn. Nền tảng nghiên cứu này không còn quá xa lạ với mọi người. Chúng ta tóm lược về nó như sau:

1.1. Chỉ số trí tuệ thông minh, IQ (Intelligence Quotient)

IQ là một khái niệm được nhà khoa học người Anh Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Hereditary nius xuất bản vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó được học trò của ông là J.Cattell và nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet phát triển bằng việc thảo ra những bài trắc nghiệm để kiểm tra năng lực logic của trẻ khi đi học. Sau đó không lâu, nhà tâm lý học người Mỹ Giáo sư Lewis Terman (Giảng viên trường đại học Standford) đã phát triển bài trắc nghiệm gồm những câu phức tạp hơn để dùng cho người trưởng thành và đặt tên là bài trắc nghiệm chỉ số thông minh
Stanford-Binet. Chỉ số IQ thường liên quan đến khả năng logic,ngôn ngữ và không gian, người có IQ cao thường có khả năng lập luận, phân tích các vấn đề, thích tổng hợp và phân tích để tìm ra bản chất và quy luật của các vấn đề. Nhạy bén trong các vấn đề liên quan về số học, suy diễn các trình tự và tư duy theo phương hướng nguyên nhân – kết quả. Trí thông minh logic – toán học thể hiện sự thông minh với các con số, khả năng suy luận, khả năng hiểu các vấn đề trừu tượng, khả năng xác định nguyên nhân, xâu chuỗi các sự kiện và cả số lượng từ mà người đó sử dụng. (Theo https://vi.wikipedia.org/wiki).

IQ là chỉ số thông minh của một người. Là thước đo đánh giá trí tuệ của người đó. Những ai sở hữu IQ cao sẽ có đầu óc vô cùng sáng tạo, do họ có lối tư duy vô cùng logic, trí nhớ tuyệt vời, vì vậy mà những người IQ cao có thể tiếp thu và ghi nhớ mọi thứ rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Nhờ có trí thông minh vượt trội nên người có IQ cao rất thành công trong việc học tập. Các công việc như: Nhà khoa học, bác học, nghiên cứu toán học, bác sĩ, kỹ sư, lập trình viên,… Là những lĩnh vực rất phù hợp với người có IQ cao, vì những công việc này phải cần tư duy logic mới có thể làm được. Bên cạnh đó thì người IQ cao thường quá tập trung vào công việc, tư duy của mình và là người dễ dàng thành công nên sẽ có thái độ tự tin và coi thường người khác. Vì vậy những người này thường không thân mật và sống có xu hướng thích cô lập.

Nhưng ngay cả Binet cũng nhấn mạnh trên thực tế rằng thang đo này không “phổ quát” và thiếu một số nếu không muốn nói là hầu hết các khía cạnh của trí thông minh.
Nhưng ngay cả Binet cũng nhấn mạnh trên thực tế rằng thang đo này không “phổ quát” và thiếu một số nếu không muốn nói là hầu hết các khía cạnh của trí thông minh.

1.2. Chỉ số trí tuệ cảm xúc, EQ (Emotional intelligence Quotient)

Chỉ số EQ mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc. Trí tuệ xúc cảm là nhánh nghiên cứu tương đối mới của ngành tâm lý học. Do đó, định nghĩa về trí tuệ xúc cảm không ngừng thay đổi. EQ là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Vì vậy EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó. (Theo https://vi.wikipedia.org/wiki).

Theo nghiên cứu, những người có EQ cao thường là những người có khả năng chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống. Họ còn là người giàu tình cảm, biết tiết chế cảm xúc của bản thân và dễ thông cảm với người khác. Những ai có chỉ số EQ cao có cơ hội thành công trong cuộc sống xã hội hơn là trong trường học, nhờ có lối sống lành mạnh và suy nghĩ, quyết định đúng đắn.

Khả năng của người sở hữu EQ cao là biết nhận định, kiềm chế chính xác cảm xúc của mình và mọi người xung quanh. Nhờ vào khả năng quản lý tốt cảm xúc nên người EQ cao có đời sống rất lạc quan và chịu được áp lực cực kì tốt. Công việc thích hợp dành cho họ là: Nhà văn, nhà triết học, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tâm lý, quản lý nhân sự, lãnh đạo,… Vì những công việc này cần sự kiên nhẫn và định hướng được cho người khác. Chỉ số EQ cao đồng nghĩa với việc họ sống rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh và được nhiều người yêu mến, tôn trọng. Cho nên người có EQ cao có khả năng thành công trong cuộc sống thực tế hơn là trên sách vở.

EQ và IQ

“Không ai quan tâm đến bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ ở mức nào”

Tổng thống Theodore Roosevelt 

Tóm lược quan trọng:

EQ và IQ đều là hai yếu tố quan trọng và cần thiết đối với con người. Theo các chuyên gia, để trở thành một người thành công thực sự, chúng ta cần đến 80% EQ và 20% của IQ. Chỉ số IQ cao sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình tư duy, tính toán một cách chính xác. Và chỉ số EQ cao giúp chúng ta bình tĩnh đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa hơn, mang lại lợi ích chung. Khi đi xin việc nếu sở hữu IQ cao sẽ giúp bạn dễ dàng được nhận. Nhưng để làm việc được lâu dài, có khả năng thăng tiến thì chúng ta phải cần đến EQ. Không phải bất cứ ai thành công đều có IQ cao mà là người có khả năng thuyết phục dẫn dắt được người khác theo mình.

Vậy nên không thể nói rằng IQ hay EQ quan trọng hơn, mà chúng ta cần biết cân bằng và tư duy đúng khi nào nên vận dụng IQ và khi nào cần EQ. Điều này sẽ giúp bạn trở nên hoàn thiện và thành công hơn trong cuộc sống.

IQ là khả năng tiếp thu kiến thức và áp dụng nó để giải quyết vấn đề, EQ đại diện cho cách ai đó có thể áp dụng cảm xúc vào thế giới thực và những người xung quanh họ.
IQ là khả năng tiếp thu kiến thức và áp dụng nó để giải quyết vấn đề, EQ đại diện cho cách ai đó có thể áp dụng cảm xúc vào thế giới thực và những người xung quanh họ.

2. Làm thế nào để tác động nâng cao chỉ số IQ và EQ

2.1. Nâng cao chỉ số IQ

Vị giáo sư Howard Gardner tại đại học Harvard chứng minh rằng có 8 loại hình thông minh. Mỗi loại hình đại diện cho khả năng và cách xử lý thông tin của một người trong các lĩnh vực nhất định gồm.

  • Trí thông minh không gian (Visual-Spatial Intelligence).
  • Trí thông minh ngôn ngữ (Linguistic-Verbal Intelligence).
  • Trí thông minh logic-toán học (Logical-Mathematical Intelligence).
  • Trí thông minh thể chất (Bodily-Kinesthetic Intelligence).
  • Trí thông minh âm nhạc (Musical Intelligence).
  • Trí thông minh tương tác xã hội (Interpersonal Intelligence).
  • Trí thông minh liên cá nhân (Intrapersonal Intelligence).
  • Trí thông minh tự nhiên (Naturalistic Intelligence).

Ông gọi phát minh này là “Học thuyết Đa trí tuệ” cho rằng trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.

Cá nhân người viết cảm nhận, kỳ thực không có gì mâu thuẫn trong chỉ số IQ với nghiên cứu của giáo sư Howard Gardner. Nó bao quát lẫn nhau và cùng giải thích, cũng như bổ khuyết cho luận điểm của nhau. Thế giới phẳng ngày nay còn giúp hiểu đúng, rộng và sâu sắc hơn nữa.

Tất cả các nghiên cứu khoa học, đa phần đều chỉ ra trí thông minh là do di truyền chiếm 50-80% (theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ vào năm 1995 trong công trình “Intelligence: Knowns and Unknowns”). Yếu tố môi trường đóng vai trò rất lớn trong nhiệm vụ xác định trí thông minh trong một số trường hợp. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong lúc nhỏ được cho là rất quan trọng; sự dinh dưỡng kém có thể làm suy giảm trí thông minh. Một số nghiên cứu khác về yếu tố môi trường còn cho rằng thai phụ trước khi sinh hay cho con bú nếu tiếp xúc với những loại độc tố hay thiếu các vitamin và muối khoáng quan trọng có thể ảnh hưởng đến IQ của đứa bé.

Khoa học hiện đại cũng đã nghiên cứu và phát triển nhóm thực phẩm dinh dưỡng bổ sung có tên gọi là DHA, viết tắt của từ Docosa Hexaenoic Acid, là một loại acid béo không no cần thiết thuộc nhóm acid béo Omega 3, ngoài ra thuộc nhóm này còn có các tiền tố DHA, đó là Acid béo alpha-linolenic. DHA thuộc loại acid béo không no cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được nên phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. DHA cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, hệ thần kinh. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, DHA có nồng độ cao tại các tổ chức thần kinh như võng mạc mắt và não. Với trẻ nhỏ, nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển của cơ thể thì sẽ có chỉ số IQ thấp. Theo một nghiên cứu, những trẻ có được bú sữa mẹ và chế độ ăn đủ DHA thường có chỉ số IQ cao hơn 8.3 điểm so với những trẻ bị thiếu DHA.

Có thể nói về mặt khoa học  dinh dưỡng chúng ta có thể bổ sung vào yếu tố bên ngoài để bồi bổ não bộ và thông qua đó nâng cao chỉ số IQ.

Thế nhưng …

Trí thông minh từ di truyền và môi trường tác động cả hai đều cần phải nuôi dưỡng, vì khoa học đã chứng minh các yếu tố trí thông minh do di truyền sẽ dần mất đi khi người đó dần vào giai đoạn trưởng thành. Theo nhà khoa học Edward de Bono về tư duy, được mệnh danh là cha đẻ của “tư duy về tư duy” (Thinking on Thinking), nổi tiếng với hơn 60 đầu sách về tư duy, giáo sư đã nhận định: “Tư duy là kỹ năng vận hành của bộ não mà nhờ đó trí thông minh được nuôi dưỡng và phát triển”.

Mối quan hệ giữa trí thông minh và kỹ năng tư duy cũng giống như mối liên hệ giữa chiếc xe hơi và người lái xe. Theo ví von của de Bono, nếu “trí thông minh là máy của chiếc xe hơi và kiến thức là nhiên liệu thì kỹ năng tư duy được ví như kỹ năng lái xe”. Chính vì thế trí tuệ thông minh được xem là một khả năng, nhưng kỹ năng tư duy mới là thứ quan trọng, nó giúp chúng ta vận dụng khả năng một cách hiệu quả.

Nón tư duy theo Edward de Bono.

Trẻ thông minh chưa chắc đã giỏi, người học giỏi chưa chắc đã thành công, chắc có lẽ đến đây chúng ta đã hiểu một cách thấu đáo. Ngay cả với Eisntein, dù có “bộ não xuất chúng” thì trong đầu lúc nào cũng đầy ắp những câu hỏi (phân tích, đặt vấn đề), cốt lõi của tư duy bậc cao. Trẻ cần phải phát triển óc tò mò (quan sát kỹ và so sánh), ham học hỏi (tìm tòi), đam mê (phân tích, đánh giá) và kiên nhẫn (phản biện, chắt lọc và tổng hợp). Và như vậy, IQ cao là chưa đủ nếu như bạn không có tư duy sáng tạo thì sẽ rất khó khăn để bạn tồn tại.

Không dễ gì tìm thấy một chương trình giáo dục đào tạo kỹ năng tư duy cho trẻ. Ở các nước phát triển, từ lâu họ đã nhận ra điều này. Họ xem “tư duy bậc cao” là điều cần thiết trong phát triển giáo dục cho trẻ. Nhà sư phạm nổi tiếng Maria Montessori chia sẻ: “Đừng giáo dục các em thế giới của hôm nay. Thế giới của hôm nay sẽ thay đổi khi các em lớn lên. Phải ưu tiên giúp các em biết cách phát triển tư duy sáng tạo và rèn luyện khả năng tự thích nghi”. Nó không còn là khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức thụ động mà phải rèn luyện “tư duy bậc cao”: tìm tòi, phân tích, phản biện, chắt lọc, tổng hợp, nảy sinh ý tưởng, ra quyết định, giải quyết vấn đề và lên kế hoạch thực hiện. Điều kỳ lạ là trong thế giới giáo dục cổ đại, các thầy xưa dùng từ “sáng dạ” để chỉ những bạn nhỏ nào hay có những cách thức giải quyết vấn đề tốt. Sáng dạ là cách nói khác của “tư duy bậc cao”. Phải chăng, giáo dục đang đi thụt lùi? Không hẳn là như thế, tất cả là do chủ nghĩa vật chất gây ra, định hướng trào lưu nghiên cứu tôn sùng những phát minh khoa học ứng dụng, …

Tóm lược quan trọng:

Để nâng chỉ số IQ tác động từ bên ngoài chúng ta cho trẻ dùng dinh dưỡng DHA ngay từ khi là bào thai. Khi trẻ chào đời, bỏ qua giai đoạn sơ sinh, hãy cho bé tiếp cận với “tư duy bậc cao” ngay khi có thể. Cứ cho bé một cần câu, bé sẽ tự mình câu những con cá trên những khúc sông. Câu được cá nào còn tùy vào bạn ấy dùng loại câu gì, mồi gì, ở khúc sông nào, … Dần dần sẽ có những sáng tạo phù hợp với mỗi con người và mỗi hoàn cảnh cuộc sống. Một tương lai rộng mở cho dù thế giới có thay đổi như thế nào đi nữa. “Cần câu, con cá và khúc sông” là những cụm từ ví von về những giá trị nhân sinh quan trong cách diễn giải ở trên. Nó đủ gần gũi, thực tế giản dị; đủ thi vị để nói về nghệ thuật; …

Chín loại trí thông minh

Chín loại trí thông minh (dựa theo Howard Gardner có bổ sung)

Chỉ số IQ cao thực sự có ý nghĩa và cần thiết nếu chúng ta rèn luyện thường xuyên với những yếu tố thuộc về “tư duy bậc cao” – tư duy sáng tạo.

2.2. Nâng cao chỉ số EQ

Có EQ cao tức là chúng ta có khả năng hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính mình và điều hướng tương tác của bạn với người khác. Về cơ bản, đó là khả năng hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Bạn sẽ có thành tích cao nhất tại nơi làm việc (Con số thống kê cho thấy điều này lên đến 90%). Điều này cần thiết cho sự phát triển, duy trì, hình thành cũng như tăng cường các mối quan hệ trong công việc cũng như cuộc sống. Chúng ta cần làm gì để có EQ cao?

  • Luôn chú ý đến cách bạn cư xử (tự nhận thức).
  • Chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành động của bạn.
  • Dành thời gian để nghĩ lại những điều tích cực.
  • Rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
  • Khi phải đối mặt với một cuộc xung đột, hãy đối diện với nó.
  • Rèn luyện bản thân để duy trì một thái độ tích cực.
  • Chấp nhận những lời chỉ trích, phản hồi một cách tích cực.
  • Thông cảm với người khác.
  • Hãy tiếp cận và sống hòa đồng.
  • Sử dụng các kỹ năng lãnh đạo của bạn.
  • Sử dụng các kỹ năng lắng nghe của bạn.
  • Giữ bình tĩnh trước áp lực.

Nếu không thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình, bạn rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Bạn dễ bị áp lực trong công việc lẫn các mối quan hệ gia đình và bạn bè. Theo đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của bạn, là nguồn cơn của những bệnh tim, lão hóa sớm, đột quỵ, tăng huyết áp,…

Không chỉ vậy nó còn tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần. Điều đó khiến bạn dễ lo lắng, tiêu cực và tệ hơn có thể dẫn đến trầm cảm từ mức độ nhẹ đến nặng. Khi không thể quản lý cảm xúc tốt bạn sẽ rất khó trong việc tạo dựng những mối quan hệ lâu dài. Cảm giác bị cô lập luôn đè nặng trong bạn, khiến bạn ngày càng suy sụp hơn. Ngược lại, việc duy trì sự bình tĩnh và lạc quan sẽ giúp bạn khỏe khoắn, yêu đời hơn. Từ đó thành công và thịnh vượng sẽ có cơ hội đến với bạn dễ dàng hơn.

Đồng cảm để thấu hiểu. Thấu hiểu sẽ thành công và lan tỏa giá trị tinh thần.

Tóm lược quan trọng:

Có EQ cao tức là chúng ta có khả năng hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính mình và điều hướng tương tác của bạn với người khác. Về cơ bản, đó là khả năng hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Bạn sẽ có thành tích cao nhất tại nơi làm việc (con số thống kê cho thấy điều này lên đến 90%). Điều này cần thiết cho sự phát triển, duy trì, hình thành cũng như tăng cường các mối quan hệ trong công việc cũng như cuộc sống.

Đến đây các bạn có nhận ra một vài điểm chung trong khi trả lời hai câu hỏi làm thế nào để nâng cao “tư duy trí tuệ bậc cao” và tư duy cảm xúc rồi chứ? Để đạt được điều này bạn phải thường xuyên luyện tập trong thời gian dài các kỹ năng : tìm tòi, phân tích, phản biện, chắt lọc, tổng hợp xây dựng để sáng tạo nên hoặc đồng sự cùng một ai đó hoặc thay đổi một cái gì đó để trở nên hữu ích hơn.

3. Hội họa, mỹ thuật, nghệ thuật thị giác tác động đến
việc nâng cao chỉ số IQ và EQ như thế nào?

Không riêng gì nghệ thuật thị giác (tâm điểm là hội họa), các bộ môn nghệ thuật khác đóng vai trò rất lớn để nâng cao chỉ số này. Chúng ta cùng nhìn lại 8 loại hình trí thông minh và các kỹ năng cần có để nâng cao tư duy trí tuệ bậc cao và tư duy cảm xúc, tất cả đều nằm trong những thành tố của nghệ thuật. Bên trong mỗi tác phẩm nghệ thuật thị giác đều có ba yếu tố cấu thành: chủ đề, nội dung và hình thức biểu đạt. Ba yếu tố này duy trì và bổ sung cho nhau. Chủ đề tạm gọi như là ý niệm sáng tác, muốn có nó bạn phải đọc, tìm tòi rất nhiều. Nó tồn tại trong cuộc sống nhân gian; trong văn chương, thi phú; trong khoa học; trong lịch sử; trong triết học; tôn giáo. Tùy thuộc vào tri thức mà bạn có, bạn sẽ có được chủ đề hay. Muốn có cái cá tính nghệ sĩ độc đáo bạn phải nghiên cứu kỹ, phản biện và chắt lọc; từ đó hình thành ý tưởng về chủ đề. Càng bao hàm, hay càng dung dị thì cảm xúc theo đó mà hàm chứa. Từ chủ đề, bạn có thể phát triển nội dung  theo câu chuyện, kịch tính … trong ngữ cảnh cụ thể mà bạn thể hiện. Tùy vào trình độ tri thức tức trí tuệ thông minh bậc cao và trí tuệ cảm xúc được trui rèn qua năm tháng nghiên cứu, bạn sẽ trình bày nội dung theo cách bạn nhận thấy. Cuối cùng bạn phải am hiểu những hình thức bố cục nghệ thuật thị giác để mọi người thu hút vào nội dung biểu đạt của bạn mà không bị cảm xúc lệch lạc chi phối. Đó là nhìn nhận dưới góc độ nghệ sĩ và tác phẩm. Bên trong một tác phẩm nghệ thuật thị giác có đầy đủ các yếu tố về trí tuệ thông minh và trí tuệ cảm xúc. Nó là quá trình dài của người nghệ sĩ nỗ lực để thể hiện mọi thứ dưới sự hiểu biết, thấu lý của họ.

Một bạn nhỏ khi được tiếp xúc với nghệ thuật thị giác, nói đơn giản là học vẽ, phải được tiếp xúc đến một phương pháp đúng đắn. Hãy để các bạn nhỏ quan sát thế giới xung quanh bằng các giác quan nguyên sơ nhất. Chúng ta sẽ chỉ cho các bạn cách thức quan sát tìm kiếm những đặc điểm riêng của các sự vật. Biết cách quy những mảng hình từ những cảnh vật xung quanh và thể hiện nó ra. Thể hiện có thể bằng bất cứ phương tiện gì các bạn đó thích, từ xé giấy, mảng hình cơ bản (vuông, tròn, tam giác, …) rời rạc, từ vật liệu tự nhiên (lá cây, que, …), tự bút viết, tự cọ – màu, … miễn là các bạn có thể luyện tập từ việc quan sát nhận biết kể trên. Điều này tốt hơn nhiều so với việc tô màu trên một hình phác thảo có sẵn. Nếu cứ tiếp tục tô màu, chúng ta có thể làm cho các bạn bị đóng khung hình ảnh khi phải sáng tác về sau. Đừng để chuột “Mickey” xuất hiện trong mọi câu chuyện về chuột. Cũng như nàng Bạch Tuyết xuất hiện trong câu chuyện của Tấm, … Sự vật sẽ được sáng tác nên từ trí tưởng tượng thông qua quan sát hàng ngày. Để làm được điều này các bạn phải được tiếp xúc với sách, thế giới tự nhiên, văn hóa lịch sử, … Đây là quá trình xây dựng kỹ năng của tư duy trí tuệ bậc cao. Các bạn trải nghiệm cùng với cộng đồng, tham gia các hoạt động hữu ích, đọc sách báo, xem nghệ thuật, … để hình thành tư duy trí tuệ cảm xúc.

Lớn hơn tý nữa, chúng ta nên cho các bạn đọc sách, đọc nâng dần đến khi có thể có được thói quen yêu thích văn xuôi. Đừng duy trì việc đọc chuyện tranh khá nhiều, vì hình ảnh trong chuyện sẽ chi phối cảm xúc. Hãy để ngôn từ giúp các bạn nhỏ tưởng tượng ra hình ảnh bằng cách đối chiếu nó với việc quan sát trong tự nhiên. Sáng tạo nằm ở tri thức bạn tiếp thu được, sáng tạo đến từ bút pháp biểu đạt cũng có thể xem là sáng tạo nhưng không thể là thường xuyên. Nó thuộc vế sau hơn là vế trước của sáng tác nghệ thuật. Việc đọc, tìm kiếm tư liệu, trải nghiệm đời sống thực tế là nguồn nguyên liệu vô hạn của việc sáng tác.

Màu sắc giúp các bạn thể hiện tâm lý cảm xúc, nó thường để diễn tả điều này. Màu sắc đến từ thực tế dưới tác động của ngữ cảnh chứa đựng và không gian cảm xúc mong muốn. Đó là sáng tác, là tư duy trí tuệ bậc cao kết hợp cùng trí tuệ cảm xúc. Sau cùng các bạn phải học cách sắp xếp những ý niệm này lên trên một bản vẽ, để có thể tạo nên được tác phẩm. Đấy chẳng phải là chắt lọc để hình thành ý tưởng đấy sao. Một kỹ năng mà người lãnh đạo cần có để đưa ra quyết định đúng đắn và đầy tính nhân văn thu phục lòng người.

Rõ ràng, nếu một bạn trẻ tiếp xúc sớm với nghệ thuật, góp phần đáng kể nâng cao các chỉ số về tư duy trí tuệ thông minh và cảm xúc. Nghệ thuật thị giác (mà hội họa thuộc về), là một bộ môn nên được đưa vào giảng dạy và tiếp cận với nhiều bạn nhỏ hơn nữa. Vấn đề là chúng ta nên quan niệm lại, giải pháp lại cho nó, để nó có thể hiệu quả trong việc đào tạo trí tuệ con người, cân bằng cuộc sống.

Cân bằng IQ và EQ, cùng bồi dưỡng cả hai, sự thành công sẽ đến, bạn sẽ là con người duy mỹ.
Cân bằng IQ và EQ, cùng bồi dưỡng cả hai, sự thành công sẽ đến, bạn sẽ là con người duy mỹ.

4. Gốc rễ của các vấn đề trong thế giới nhân sinh

Người lãnh đạo là người phải đưa ra quyết định trong mọi tình huống để lôi cuốn mọi người thực hiện. Nhưng kết quả để làm gì và như thế nào, thì lại nên phân tích tiếp.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết, trong mọi việc muốn thành công đều phải là thuyết phục được. Chẳng hạn, dạy giỏi là phải tuyết phục người học, bán được sản phẩm phải tuyết phục được khách hàng, … Cái gì làm nên sự thuyết phục này? Theo nghiên cứu về tâm lý hành vi con người, có hai hệ thống để thuyết phục người đối diện. Một là diễn giải giàu cảm xúc (hệ thống 1), hai là dùng lý lẽ logic (hệ thống 2).

Về bản chất, các nhu cầu về cảm xúc chính là chìa khóa cho phép tạo ra sự thay đổi về mặt hành vi. Nếu những ai đã nghiên cứu về marketing chắc hẳn sẽ biết Les Binet và Peter Field đã tóm tắt sức mạnh của cảm xúc hoàn hảo như sau : “Các chiến dịch đánh vào cảm xúc, và đặc biệt là những chiến dịch mang tính sáng tạo cao … tạo ra những hiệu ứng kinh doanh dài hạn và hiệu quả hơn nhiều so với các chiến lược thuyết phục dựa vào lý trí”.

Tại sao cảm xúc lại điều khiển hành vi?

Nhà kinh tế học Daniel Kahneman đã chứng minh rằng chúng ta ít lý trí hơn chúng ta nghĩ và phần lớn dựa vào các quyết định trong tiềm thức. Tiềm thức tức là tư duy cảm xúc, nơi đưa ra những quyết định nhanh chóng và dễ dàng, mà không đòi hỏi chúng ta suy nghĩ nhiều. Trong khi hệ thống hai dùng lý lẽ, là nơi thực hiện chức năng tư duy trí tuệ, đưa ra các quyết định dựa trên việc xử lý dữ liệu một cách có ý thức.

Hệ thống 1, tiến hóa trong hệ viền của não bộ từ khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh, nó giúp chúng ta sống sót. Tại đây, tâm trí xử lý những phản ứng cảm xúc cơ bản, giúp chúng ta phản ứng nhanh với thế giới xung quanh. Chẳng hạn khi chúng ta đi bộ trên vỉa hè, vô tình chúng ta bước xuống lòng đường, hệ thống 1 sẽ nhanh chóng nhắc chúng ta quay về trên lề. Cảm giác sợ hãi, giận dữ, hạnh phúc, hay sự tha thứ đều được điều khiển bởi phần tâm trí này. Nó cũng giúp chúng ta trong những thứ kém rõ ràng, chẳng hạn nên tin tưởng ai trong số những người (giàu cảm xúc sẽ có trực giác tốt). Hệ thống 1 đưa ra những ấn tượng đầu tiên một cách nhanh chóng và rất khó thay đổi. Nó giúp tiết kiệm sự nỗ lực. Nếu trong một ngày, bạn phải dùng hệ thống 2 để can thiệp vào bất cứ quyết định nào, chắc chắn bạn sẽ ngất đi vì không còn năng lượng. Đôi khi chúng ta thường xuyên chẳng thể nào nhận ra rằng sau 30 phút lái xe, chúng ta vượt qua chặng đường và đến vị trí hiện tại bằng cách nào.

Cả hai hệ thống tư duy này đều tồn tại vô hình, không phải là những cái có thật; nó không phải là một bộ phận hữu hình của não bộ, nhưng tâm trí là một tổng thể được lồng ghép và đan xen chặt chẽ từ nhiều phần. Tốt hơn hết, chúng ta nên xem hệ thống gồm hai phần tâm trí này như bối cảnh xoay quanh cách chúng ta giải thích về hành vi và sự thay đổi hành vi.

Tóm lại:

Để thuyết phục người đối diện, nên tập trung nhiều vào hệ thống 1 và công việc được hoàn thành bằng cách châm ngoài phản ứng cảm xúc để người đối diện hành động. Sau đó hệ thống 2 sẽ nhận thấy tác động cảm xúc và quyết định xen vào, phân tích những gì đang diễn ra và đưa ra quyết định. Tất nhiên, hệ thống 2 rất ít khi xen vào.

Lý tưởng nhất, thông điệp cảm xúc của chúng ta phải mạnh đến mức chúng ta có thể dùng để điều khiển quyết định của người đối diện. Giai đoạn này bạn sẽ nắm chắc phần thắng. Nếu phải cố giải thích – dùng lý lẽ của hệ thống 2, bạn sẽ nắm chắc phần thua khi đi vào giai đoạn này. Thường là vậy, khi đã không có cảm xúc, người đối diện thường sẽ dùng lý lẽ để bài bỏ. Hệ thống 2, tư duy về trí tuệ thông minh, lý lẽ bạn vận hành nó dựa trên lịch sử trước đây, và sau khi thuyết phục thành công. Điều này có nghĩa là, bạn dùng uy tín (uy tín thược về tư duy trí tuệ thông minh) từ trước để tiếp xúc đối tác, sau đó bạn thuyết phục họ bằng tư duy cảm xúc – hệ thống 1, cuối cùng bạn trở về với uy tín của bạn trong vấn đề đã thuyết phục trước đó – tức dùng tư duy trí tuệ thông minh để khẳng định sự trung thành.

Đến đây, chắc chúng ta có thể thấy rõ ràng sự hòa trộn hoàn hảo của hai hệ thống tư duy trí tuệ thông minh và tư duy trí tuệ cảm xúc sẽ mang lại lợi ích to lớn, vĩ đại với đời sống như thế nào. Vũ khí không thể chấm dứt chiến tranh, nhưng nó có thể buộc người ta phải ngồi vào đàm phán, và chỉ có đàm phán mới đem lại hòa bình. Bạn sẽ không làm được nếu như không cậy nhời vào những con người có tư duy trí tuệ thông minh bậc cao và tư duy trí tuệ cảm xúc hoàn hảo.

5. Lời kết

Vậy còn chần chừ gì nữa mà không để các bạn nhỏ tiếp cận càng sớm càng tốt đến với nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác mà ở đó hội họa là nền tảng. Hội họa mang đến cho các bạn nhỏ tư duy trí tuệ thông minh và tư duy trí tuệ cảm xúc, điều gần như cần thiết cho tất cả mọi người, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Quả thật hội họa vừa đủ nhẹ nhàng để rèn luyện tư duy trí tuệ thông minh và cảm xúc bên cạnh các môn học nặng về một phía nào đó. Nó giúp cân bằng trạng thái tinh thần giữa các khoảng thời gian học và nghiên cứu sâu.

Chúng tôi ví von, hội họa như là liều “DHA” hoàn hảo để bồi bổ cho trí tuệ tư duy thông minh và đặc biệt trí tuệ cảm xúc của trẻ em.
Quả thật là hoàn toàn dễ hiểu và thuyết phục!

hoc vien The R'art school
Học viên Bảo Anh – lớp học Sóc Nhí

Hình ảnh từ chương trình hội họa sáng tạo cho trẻ em tại The R’art School – “Bé không tô màu, bé đang tạo ra các mảng màu”.

 

5 3 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận