Hội họa với đời sống
Giáo dục hội họa nên bắt đầu như thế nào?

Các khía cạnh thuộc về hoặc kiến lập nên đời sống luôn mang đậm hai yếu tố trí tưởng tượng và cảm xúc. Trí tưởng tượng cấu thành hiện thực hoặc là nguyên liệu cho sự sáng tạo tạo ra những điều mới mẻ. Cảm xúc để cân bằng tinh thần và vật chất, gìn giữ giá trị nhân sinh, văn hóa dân tộc. . Việc giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là hội họa từ sớm sẽ tạo tiền đề xây dụng đời sống hoặc biết cách cảm thụ cuộc sống.

“Art is the language of imagination and emotions”

tạm dịch : Nghệ thuật là ngôn ngữ của trí tưởng tượng và cảm xúc

Ralph Waldo Emerson nhà viết tiểu luận, giảng viên, triết gia và nhà thơ người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt. Ralph Waldo Emerson vào học ở Đại học Harvard lúc mới 14 tuổi, nhận học bổng của đại học này và tốt nghiệp vào năm 18 tuổi.
(Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Ralph_Waldo_Emerson).

Hình ảnh từ lớp cảm thụ hội họa của The R’art School

Hình ảnh từ lớp cảm thụ hội họa của The R’art School

1. Yếu tố vô hình của hội họa, mỹ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác tác động lên cuộc sống.

Có rất nhiều bài viết về chủ đề này, đa phần tập trung phân tích và định hình hóa lại những vấn đề thuộc về hội họa , mỹ thuật tạo hình, … với đời sống xã hội. Kết luận của đại đa số các bài viết đều dẫn dắt, lý giải các lĩnh vực ngành nghề mỹ thuật tạo hình ứng dụng trong cuộc sống. Những phạm trù thuộc về mỹ thuật, nó là hữu hình đến mức người ta có thể thấy ngay nó thuộc về nghệ thuật thị giác. Thế nhưng khía cạnh vô hình mà mỹ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác len lỏi vào trong cuộc sống thì thật sự không phải ai cũng có thể nhận ra. Nó có mặt khắp nơi, len lỏi vào từng góc nhỏ trong ngôi nhà bạn đấy chứ.

Chúng ta đi thẳng đến vấn đề của cuộc sống mà không nhất thiết phải đề cập đến phạm trù hữu hình của nghệ thuật, mỹ thuật hay hội họa, … Cuộc sống chúng ta gồm gì nhỉ? Đi từ sinh hoạt thường nhật đến những sinh hoạt định kỳ, lệ hội, sự kiện, giải trí, thưởng thức nghệ thuật, giao tiếp xã hội.

1.1. Vật dụng sinh hoạt

Từ cái tách, cái ly, ấm trà, bình nước, … đến cái bàn chải dọn dẹp cọ rửa vệ sinh đâu đâu cũng có những kiểu dáng thiết kế từ thủ công đến công nghiệp đều đẹp mắt và hữu ích. Bàn ghế, tủ, kệ, giường, … tuy đa dạng kiểu mẫu nhưng đều có nét thiết kế tinh tươm… Từ gia đình khá giả đến những gia đình khó khăn tất cả đều có sự lựa chọn khi chúng ta sắm sửa. Không ai bỏ tiền mua một cái chén, cái tô, … méo mó, thô kệch. Bề dày văn hóa nhân loại thấm đẫm trong từng hình dáng những vật dụng này. Giá trị văn hóa dân gian, giá trị văn hóa dân tộc, vùng miền, lịch sử hiển hiện trên những vật dụng này càng cao thì càng trở nên quý giá. Thậm chí người ta có thể lấy nó để trưng bày trang trí trong nhà.

Tính hội họa thể hiện rất rõ trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày
Tính hội họa thể hiện rất rõ trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày

Hình dáng của mỗi vật dụng không chỉ mang tính duy mỹ, mà nó còn là quá trình đúc kết hoặc nghiên cứu từ cấu trúc bền vững của vật liệu cấu thành, hoặc tính tiện dụng của nó để có thể dễ dàng sản xuất và sử dụng. Chẳng hạn như, chiếc bình cắm hoa bằng gốm. Vì được làm ra từ đất sét, có thể đổ đầy nước để cắm hoa, nên đại đa số nó có dạng khối trụ, khối cầu và trọng tâm của khối hình nằm phía trong của thân bình. Nó phải vậy, muôn đời phải thế, nó không thể tạc để cho ra cấu trúc có độ vươn lệch ra xa (trọng tâm không còn nằm trong khối bình) như của vật liệu kim loại. Vì sức bền vật liệu đất sét không cho phép tạo hình như thế. Nó sẽ gãy vỡ trong quá trình sản xuất và sử dụng …

Bề mặt thẩm mỹ phủ bên ngoài của các vật dụng (màu sắc, chất liệu, bề mặt thô sần hay bóng mịn, ghép bộ hay đơn lập, …) đều có không gian sắp đặt phù hợp riêng. Chiếc bình gốm đất sét đỏ Ninh Thuận dường như phù hợp với những không gian mộc mạc, gần gũi thiên nhiên hơn là xuất hiện trong không gian nội thất bóng bẩy. Các vật dụng phục vụ đời sống nhiều vô kể, không có vật dụng nào được làm ra và được đời sống chấp nhận mà không có tính thẩm mỹ nghệ thuật. Nó chứa đựng cả tinh hoa văn hóa dân tộc, lịch sử thời kỳ…

Hình ảnh từ từ lớp Hoa đất – The R’art School
Hình ảnh từ từ lớp Hoa đất – The R’art School

1.2. Ăn uống

Chúng ta thường nhớ đến câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, không bàn đến ý nghĩa phê phán của nó.

Chúng tôi muốn nhắc đến tại sao phải có lễ. Ngay khi bạn có điều kiện, bạn suy nghĩ đến lễ nghi, đó là điều đúng đắn. Khi thực hành lễ nghi, thì cái tôi của chúng ta trở nên nhỏ lại. Có lễ đúng tâm thì mới có sự tôn trọng ra bên ngoài đúng mực. Việc ăn uống cho phải lễ, cũng phải bày biện sao cho đẹp mắt, phù hợp với hoàn cảnh. Bữa ăn thường ngày cũng là lễ đấy chứ, lễ để được ngon miệng hơn, để được vui vẻ hạnh phúc bên gia đình hơn, để đủ đầy hơn, yêu thương, nhường nhịn hơn, …

Đừng nghĩ giàu sang với mâm cao cổ đầy, bày biện tinh tươm mới đạt lễ nghĩa. Tôi yêu cái cảnh làng quê, bữa cơm chiều dọn ra trên tấm phản kê dưới hiên nhà. Con trẻ, vợ chồng vừa ăn vừa hóng mát, hàn huyên nhỏ to. Chén sành, dĩa đất nung, rỗ rau tuy không sang trọng, nhưng nét mộc mạc hợp với khung cảnh quê. Đời sống rộn ràng phố thị dễ gì có được. Cái khổ cực và cái cảm xúc đẹp đẽ là hai mệnh đề tách rời trong cuộc sống. Chính cái khung cảnh đầy cảm xúc gần gũi này, nó đã đưa vào và hình thành nên không gian phòng ăn bên ngoài nhà – terrace trong kiến trúc của các ngôi nhà lộng lẫy sang trọng.

Chúng tôi tin rằng, dù bất cứ hoàn cảnh cuộc sống là giàu sang hay khó khăn, nhưng nếu biết giữ lễ trong ăn uống, đời sống tinh thần chúng ta cũng sẽ được hạnh phúc hơn. Không quá khó khăn khi nghĩ đến hoặc thực hành với “lễ”. Đừng nghĩ phải hình thức hóa, trang trọng hóa mới đạt lễ. Chỉ cần sắp đặt gọn gàng từng món ăn, xung quanh bày biện chén đũa cho cả gia đình, sẽ có bữa ăn ngon. Chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc hơn là mỗi người một tô to, dồn tất cả thức ăn vào… Nó không đẹp, không có thẩm mỹ tinh thần, vì thiếu đi cái lễ trong đời sống gia đình. Hãy giáo dục thế hệ trẻ hiểu về lễ và ý nghĩa bao hàm của nó, bắt đầu bằng những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa dân tộc, cha ông, người Việt Nam ta. Đừng nghĩ lễ là những gì đó lớn lao, hãy thực hành những lễ nhỏ hàng ngày.

Trân trọng những gì nhỏ nhất, chúng ta mới hiểu nổi những sự vĩ đại của lễ trong đời sống chúng ta và đời sống dân tộc. Một vị Vua, lãnh đạo quốc gia giữ lễ để làm gì? Để cầu quốc thái dân an, điều này có mang yếu tố văn hóa tâm linh. Nhưng, ít ai biết được ý nghĩ đằng sau nó, đến cả Vua cũng phải hành lễ thì hà cớ gì thần dân không chịu giữ lễ! Lễ để tôn trọng nhau, lễ tôn trọng các giá trị nhân sinh quan trong đời sống hiện thực. Lễ bao giờ cũng phải có hình thức “thẩm mỹ” của nó, có hình thức mới có thể khởi “tâm” và sinh “ý”. Tâm – Ý tốt, lời nói và hành động sẽ đẹp.

Mâm cơm gia đình lễ nghĩa hàng ngày với gia đình chúng ta
Mâm cơm gia đình lễ nghĩa hàng ngày với gia đình chúng ta

1.3. Ăn mặc, phục trang

Không cần phải lý giải thêm mặt hữu hình của thẩm mỹ trong tất cả hình thức của trang phục, cái ăn mặc của đời sống nhân sinh. Ngay khi bạn còn tồn tại ý thức, thì điều này là một trong những suy nghĩ đầu tiên khởi đầu một ngày mới. Không ai ăn mặc mà không có lựa chọn. Có người ăn mặc giản đơn vì họ lựa chọn dễ dàng, chứ không thể nói là ăn mặc không lựa chọn. Có thể họ phục trang xấu trong mắt mọi người, vì khả năng thẩm mỹ kém, nhưng rõ ràng họ đều có lựa chọn.

Như cách thức đặt vấn đề lúc đầu, chúng tôi chỉ bàn đến yếu tố hay giá trị vô hình của mỗi thành tố thuộc về cuộc sống. Một vấn đề nào đó khi phải suy xét, phân tích và phải lựa chọn. Nếu nó đảm bảo cả hai mặt hữu hình và vô hình thì nó xứng đáng được lựa chọn để phục vụ đời sống.

Trang phục chưa đủ để nói lên hoàn cảnh gia đình và tính cách con người của bạn. Nhưng, cách bạn phục trang nói lên tâm trạng, tinh thần của bạn lúc đó. Khi hạnh phúc, vui vẻ, bạn sẽ chắc chắn lựa chọn những trang phục mà bạn cho là đẹp nhất. Đó là tâm lý con người, tinh thần của đời sống nhân sinh. Trang phục bạn khoác lên người nó phải phù hợp với ngữ cảnh, nơi chốn bạn thuộc về. Bạn phải lựa chọn và dung hòa giữa điều này và ý thích của bạn.

Để lựa chọn đúng bạn phải có văn hóa và thẩm mỹ. Văn hóa giúp mình không bị lạc lõng, thẩm mỹ giúp chúng ta tìm đến sở thích của mình. Khi có được cả hai, bạn sẽ tự tin, tinh thần sẽ phấn chấn hạnh phúc. Tất cả những điều này đều thuộc về yếu tố vô hình, trí tuệ chúng ta cần phải có thông qua quá trình bồi dưỡng tri thức.

Trong quan hệ xã hội, quan hệ giao tiếp giữa người với người, thiện cảm trực giác có được đến từ trang phục. Phù hợp là yếu tố đầu tiên nên nghĩ đến trước khi nghĩ đến đẹp. Khi bạn lựa chọn để phù hợp, tức là bạn đang trân trọng đời sống, thế giới nơi bạn đến, không gian và con người bạn cần giao tiếp. Bạn phải giải quyết “cái tôi” của bạn trước nhất. Bạn sẽ là ai trong vòng tròn giao tiếp, bạn là tâm của vòng tròn hay bạn là vòng tròn xung quanh, tùy thuộc vào nơi bạn đến. Khi bạn là tâm của vòng tròn, bạn xứng đáng để phục trang hoàn hảo nhất, thu hút nhất, thẩm mỹ nhất. Nếu chúng ta phải bao quanh một ai đó, phải thu hút về một điều gì đó, chúng ta phải phục trang để thuộc về không gian đó, sẵn sàng hóa thân để tô điểm cho những gì xứng đáng được quan tâm nhất.

Tâm lý, ý nghĩ sẽ là gì nhỉ khi một vòng tròn lộng lẫy, sáng bừng còn nhân vật trung tâm thì bình thường giản đơn?

Rõ ràng như một khung cảnh đám đông kiêu hùng bao vây một “tù nhân”, đe dọa hay xử án? Một cảm xúc là tội lỗi hơn là cảm xúc tôn vinh. Yếu tố thẩm mỹ vô hình trong văn hóa, trong quan hệ giao tiếp là đây. Hữu hình và vô hình đan xen, khó có thể phân biệt. Yếu tố thẩm mỹ vô hình nó thuộc về tri thức, nó dường như giúp bạn giải quyết rất nhiều những mâu thuẫn giữa cái tôi và xung quanh cái tôi của mình.

Đồng phục trong công sở, trường học, quân đội, … được mọi người nhìn nhận ở yếu tố hữu hình của thẩm mỹ thị giác. Nhưng yếu tố thẩm mỹ vô hình ít ai nghĩ đến ở đây là gì? Có lẽ là vì, những nơi này cái tôi vị kỷ không thật sự cần thiết so với sức mạnh mà tập thể mang lại.

Mỗi một lựa chọn là mỗi lần xác định “cái tôi” của mình

1.4. Làm việc, học hành

Không gian làm việc và học tập phải được bài trí để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Để có những không gian đẹp thì không hề khó, vì nó thuộc về phạm trù mỹ thuật hữu hình. Nhưng để có một không gian làm việc hiệu quả thì lại là một vấn đề nan giải, nó thuộc về phạm trù mỹ thuật vô hình. Để có được điều này, bạn phải là người hiểu rõ tâm lý hành vi con người, nhân viên của bạn để đưa ra những giải pháp kịp thời. Một khi nhân viên bắt đầu yêu thích văn phòng thì họ sẽ có tâm lý tốt và làm việc hiệu quả hơn.

Ở các nước có nền giáo dục phát triển, có cả bộ môn về tâm lý học trong không gian kiến trúc, khi đào tạo ngành kiến trúc. Sự an toàn, khả năng kết nối, sự thuận tiện trong di chuyển và những tác động kích thích giác quan, tất cả là linh hồn của một không gian kiến trúc sáng tạo. Nó dường như là yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật thị giác vô hình. Nó dựa trên sự tính toán nền tảng hữu hình của kiến trúc sư, nhưng người sử dụng không thể thấy nó hiện hữu chỉ là cảm nhận cuộc sống làm việc đang như thế nào mà thôi. Những kiến thức nền tảng hữu hình giúp người kiến trúc sư sắp đặt không gian, tựu chung bao gồm: Sự cân bằng, tỷ lệ, đối xứng – nhịp điệu, màu sắc, ánh sáng, thông gió, trang âm, nội thất, … Bạn muốn nó thành yếu tố thẩm mỹ hữu hình trong thị giác của bạn, chỉ có duy nhất một cách, bạn nên thành một kiến trúc sư.

Môi trường của trường học, thì các yếu tố về tâm lý không gian còn tác động mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, thiết kế trường học nên là không gian dành cho tâm lý học đường, người phê duyệt đồ án phải là những nhà sư phạm giỏi, người lãnh đạo của môi trường giáo dục đó, họ biết họ và học viên của họ cần gì. Thiết kế môi trường học tập phải là tổng hòa của hai không gian: không gian học tập chính thức và phi chính thức. Đừng để yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật hữu hình che mờ những giá trị vô hình trong không gian tâm lý học đường cần phải có.

Một góc sân cảnh quan chính trường học do The R’archi thiết kế và thi công.
Một góc sân cảnh quan chính trường học do The R’archi thiết kế và thi công

1.5. Thưởng thức nghệ thuật, các loại hình văn hóa

Chúng ta sẽ đề cập vấn đề này dưới hai góc độ: người tạo ra yếu tố và người hưởng thụ yếu tố này. Dĩ nhiên, phạm vi bài viết vẫn là cách đặt vấn đề về mặt vô hình trong thẩm mỹ thị giác. Yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật thị giác, mỹ thuật hữu hình các bạn đã được nghe đầy đủ ở những bài viết của nhiều tác giả khác nhau. Chúng tôi là những nghệ sĩ giáo dục, nên vấn đề chúng tôi hướng đến luôn luôn phụng sự cho giáo dục.

  • Dưới góc độ tạo ra các yếu tố nghệ thuật: “Art is not what you see, but what you make others see – Edgar Degas” (Nghệ thuật không phải điều bạn thấy mà là điều bạn cho người khác thấy). Khi tạo ra các không gian để trưng bày, triển lãm hay biểu diễn nghệ thuật chúng ta phải tìm ra được giai điệu từ đời sống với mong muốn về cuộc sống trong tương lai. Nó phải như hơi thở để minh chứng cho một giả lập của không gian tâm lý nghệ thuật. Có được điều này không gian nghệ thuật mới có “đời sống” của nó. Đôi khi sự duy mỹ là chưa đủ, mà nó phải sống cùng với nội dung nghệ thuật trưng bày hoặc biểu diễn. Chúng ta phải tạo không gian nghệ thuật chính thức và phi chính thức. Để duy trì tâm lý thưởng thức cho khán thính giả ngay từ khi bước vào. Những kiến thức sâu rộng về thiết kế công trình của một người kiến trúc sư là chưa đủ, giá trị văn hóa, tri thức mà anh ta nghiên cứu trải nghiệm với đời sống hiện thực mới là thành tố quyết định nên thẩm mỹ nghệ thuật vô hình. Nó là linh hồn của không gian nghệ thuật. Nó phải linh hoạt uyển chuyển để có thể thay đổi hình thức không gian phù hợp với chủ đề và nội dung triển lãm hay trình diễn nghệ thuật. Cố định một cái đẹp trường tồn cho mỗi không gian bên trong công trình này sẽ là một kế hoạch thất bại ngay từ khi bạn muốn tạo ra nó.
  • Dưới góc độ người hưởng thụ các yếu tố nghệ thuật: Ở khía cạnh này chúng ta chắc chắn thừa nhận, nền giáo dục tiến bộ sẽ quyết định tâm lý và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của con người trong xã hội nào đó. Nếu chúng ta không giáo dục về nghệ thuật cho xã hội thì chẳng mấy chốc, nghệ thuật sẽ là những trò giải trí giản đơn mà thôi. Nhân tố là cốt lõi của các thành tố vây quanh. Nhân nào quả đó, là ý bao hàm đầy đủ dưới góc độ này. Giải trí không có gì sai, nhưng đừng lầm tưởng nó với nghệ thuật. Nó còn thiếu nhiều yếu tố về hình thức để trở thành nghệ thuật. Để có thể thưởng thức nghệ thuật bạn phải hiểu được những cơ bản về hình thức của bộ môn nghệ thuật đó. Nghệ thuật phi trình diễn (hội họa, mỹ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác) thì điều này càng rõ ràng hơn. Nó cũng giống như trong tình yêu vậy, bạn yêu ai đó bạn nên hiểu về họ là tốt nhất, bởi vì khi hiểu về họ bạn càng lúc càng yêu họ hơn.

Đấy là những yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật vô hình mà chúng tôi muốn đề cập một cách tóm lược nhất. Các yếu tố này đến từ đời sống và xây dựng đời sống. Đôi khi chúng ta phải mất hàng thế kỷ mới có thể xây dựng được nó. Thẩm mỹ nghệ thuật của xã hội và tâm lý thưởng thức nó là một quá trình xây dựng, nó không thể cưỡng cầu mà có.

Một góc triển lãm Convict Sydney exhibition, vào năm kỷ niệm 200 năm thành lập
Một góc triển lãm Convict Sydney exhibition, vào năm kỷ niệm 200 năm thành lập

[Macquarie’s] đảm nhận chức thống đốc, thật phù hợp để làm nổi bật dấu ấn của ông và bà Macquarie đối với thị trấn Sydney …

Triển lãm này khám phá cuộc sống của những người bị kết án, trải nghiệm vận chuyển mệt mỏi của họ, vai trò của họ trong việc xây dựng và sinh sống ở thị trấn Sydney thời kỳ đầu cũng như cách họ tạo dựng cuộc sống mới ở thuộc địa New South Wales.

1.6. Tổng hợp vấn đề về đời sống mà thẩm mỹ nghệ thuật, hội họa chi phối

Còn rất nhiều những lĩnh vực khác có từ đời sống nhân sinh hay xã hội khác, chúng ta chỉ tạm đề cập đến những vấn đề thường nhật thiết yếu nhất. Hầu như các yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật có mặt và ít nhiều chi phối như lẽ tự nhiên. Nó tự nhiên có mặt đến mức độ không còn ai để ý hoặc nhận thức đến nó. Cái tự nhiên có mặt này nằm ở khía cạnh vô hình mà thẩm mỹ nghệ thuật mang lại. Làm sao để biến nó thành hữu hình, hiện hữu hơn trong đời sống nhân sinh, có lẽ là một vấn đề cấp thiết nên đặt ra và nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho nó.

Chúng tôi nghĩ, nên bắt đầu bằng nền giáo dục mở, nơi đó đặt vấn đề giáo dục thưởng thức nghệ thuật vào chương trình phổ thông, thực hành cơ bản với các hình thức nghệ thuật thị giác (mỹ thuật) một cách đúng đắn và gần gũi nhất không nên quá ôm đồm nhiều tầng lớp nghệ thuật. Hãy cho các bạn trẻ cơ hội trải nghiệm. Trải nghiệm để hiểu, để yêu thích, để cảm thụ, để cảm thông với người làm nghệ thuật, để phân biệt nghệ thuật và giải trí thuần túy. Nghệ thuật là di sản, là chuẩn mực văn minh của xã hội nhân sinh.

Hơn nữa, đừng quan niệm đưa nghệ thuật vào giáo dục phổ thông, và bắt buộc ai cũng phải trải nghiệm với thực hành, biểu đạt nghệ thuật một cách thuần thục. Điểm số hóa môn học này nên là điều tối kỵ, hãy biến nó thành những dự án để người học có thể cùng thực hành. Mỗi người có thể thực hành theo cá tính, sở trường của mình.

Vấn đề còn lại là tìm tòi nghiên cứu những giá trị vô hình của nghệ thuật, tức là tri thức từ đời sống để làm nguyên liệu sáng tác. Hãy chỉ cho họ cách thức cơ bản để thành hình thức nghệ thuật. Đừng để mọi người lầm tưởng tư duy sáng tạo chỉ đến từ kỹ năng biểu đạt nghệ thuật. Để họ hiểu rằng chúng ta đang thúc ép họ thành nghệ sĩ và họ từ chối vì thực sự không muốn phải như thế. Kỹ năng biểu đạt nghệ thuật là để họ trải nghiệm và hiểu hơn về nó, chứ không phải cái mà họ sẽ trở thành. Hình thức như thế nào là nghệ thuật mới là điều họ cần phải cảm thụ được. Vẽ đẹp chưa hẳn là nghệ sĩ.

Nếu đi đúng hướng chúng ta còn có thể dùng nghệ thuật để giúp rèn luyện tư duy trí tuệ thông minh (IQ) và tư duy trí tuệ cảm xúc (EQ). Chúng tôi đã có bài viết về nó, các bạn đón đọc bài Giáo dục hội họa đối với tư duy trí tuệ thông minh (IQ) & cảm xúc (EQ) để tìm hiểu thêm.

. Một vấn đề nghiên cứu khá tâm đắc của chúng tôi.

Các yếu tố vô hình của nghệ thuật đến từ đời sống, và nghệ thuật sẽ quay lại phục vụ đời sống nhân sinh, chắc chắn là như thế. Để hiểu và bắt đầu với thưởng thức nghệ thuật thị giác, mỹ thuật tạo hình chúng ta nên bắt đầu với hội họa. Giáo dục hội họa là bộ môn cơ bản của nghệ thuật thị giác cả trong thực hành biểu đạt và cả trong khía cạnh cảm thụ nghệ thuật thị giác. Các yếu tố thẩm mỹ vô hình đến từ đời sống và học tập nghiên cứu tích lũy tri thức.

2. Giáo dục hội họa nên bắt đầu như thế nào?

Chúng ta lấy những yếu tố hữu hình của nghệ thuật thị giác để làm ngôn ngữ giao tiếp trong quá trình trải nghiệm với mỹ thuật. Hội họa đương nhiên là một bộ môn thích hợp với tất cả những ai bắt đầu với mỹ thuật tạo hình và nghệ thuật thị giác. Bạn muốn thực hành với nghệ thuật thị giác nói chung, bạn phải khởi đầu công việc đó trước tiên với kỹ năng cơ bản từ hội họa. Muốn làm gì bạn cũng cần vẽ nó ra, đại loại là như thế.

Tại bài viết Giáo dục hội họa đối với tư duy trí tuệ thông minh (IQ) & cảm xúc (EQ)  này, chúng tôi cũng đã phân tích tại sao hình ảnh thu hút cảm xúc và giúp bạn thành công trong phần lớn các giao tiếp thường ngày.

Sau khi đã biết cách thực hành ngôn ngữ giao tiếp trong hội họa, nôm na là khi đã biết vẽ, chúng ta sẽ hướng dẫn họ cách thức kết hợp các yếu tố vô hình của nghệ thuật thị giác, mỹ thuật vào trong mỗi bài vẽ của họ. Đây là tư duy sáng tạo – tư duy trí tuệ bậc cao trong tháp tư duy thông minh của con người. Yếu tố vô hình đến từ đâu? Từ các môn học khác, các tìm tòi nghiên cứu của quá trình học hỏi phổ cập. Nó bao gồm : văn học, lịch sử, khoa học, triết học, … và từ đời sống thực.

Đừng quá tham lam đưa chương trình giáo dục hội họa, mỹ thuật vào phổ cập mọi cấp độ, chỉ bằng cách thức học thực hành biểu đạt. Không thể thành công, kết quả thu lại sẽ là sự chán chường vì bội thực các hình thức hội họa, mỹ thuật bày biện ra.

Bạn nên bắt đầu bằng cách biết vẽ, vẽ sao cho có thể diễn tả cảm xúc của mình là thành công. Sau đó cho họ trải nghiệm tư duy sáng tác cùng với những yếu tố vô hình chúng tôi đề cập ở trên. Cuối cùng chúng ta trang bị cho họ, kiến thức tối thiểu để nâng tất cả những bản vẽ thành hình thức nghệ thuật. Giai đoạn này khó khăn sẽ xảy ra. Khó khăn sẽ được đón nhận dưới hai góc độ tích cực (những người đam mê) và không mấy tích cực (những người không đam mê).

Nhưng kết quả chung thu được là gì?

Hiểu về nghệ thuật và cách mà nghệ thuật thị giác (mỹ thuật tạo hình, hội họa, …) hình thành nên. Đừng đem bất kỳ tiêu chí gì về kỹ năng biểu đạt, bút pháp, hiệu ứng với màu sắc … của người nghệ sĩ lâu năm đánh giá họ vào giai đoạn này. Họ tự khắc biết mình là ai, và có nên trở thành nghệ sĩ biểu đạt hay không. Cái mục tiêu giáo dục của chúng ta đến lúc này đã thành công, tất cả dường như đã biết cách cảm thụ hội họa, mỹ thuật tạo hình. Thẩm mỹ đời sống xem như được hình thành.

Không dẫn dắt mọi người đi xa hơn, chúng tôi quay trở về với giáo dục hội họa ngay, bằng cách phân khúc từng nhóm đối tượng giáo dục. Có nhiều tiêu chí để phân khúc: độ tuổi, cấp học, người đam mê và người chỉ cần cảm thụ nghệ thuật để có ảnh hưởng đến những quyết định của bản thân với những việc khác trong đời sống.

2.1. Với trẻ em độ tuổi mầm non

  • Các bạn học viên nhỏ tuổi mà phụ huynh mong mỏi sẽ là những người có khả năng toàn diện, một thế hệ được thụ hưởng từ nền giáo dục mở (không giới hạn), một thế hệ dẫn đầu với tư duy sáng tạo đa dạng. Tùy vào khả năng của họ mà chúng ta cung cấp những khóa học phù hợp. Bất cứ cấp học nào chúng ta cũng hướng họ xây dựng cho mình cái điều họ muốn hướng tới. Chúng ta sẽ đề ra một lời hứa chung cho tất cả trường hợp này: “Vẽ từ trái tim”.
  • Họ là những trẻ em độ tuổi mẫu giáo, độ tuổi hồn nhiên vô tư, chưa biết chữ. Độ tuổi này khám phá thế giới thông qua hình ảnh. Các bạn học rất nhanh nếu kết hợp tốt giữa vận động khám phá và tri thức, giữa hình ảnh và màu sắc. Các bạn rất muốn học hỏi từ thế giới xung quanh. Hãy giúp các bạn có tư duy nắm bắt các đặc điểm riêng thông qua việc tạo mảng hình bằng các chất liệu hỗn hợp. Các bạn sẵn sàng học miễn là vui vẻ, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Màu sắc kết hợp với các mảng hình phân biệt vật thể. Các bài học về màu sắc, mảng hình cơ bản, so sánh, phối hợp, phía trước, phía sau, bên trong, bên ngoài, phía trên, phía dưới, lơ lửng, đậu trên cây, bay trong không trung, đứng trên mặt đất … tất cả thông qua hội họa mà học hỏi khám phá. Mục đích để các bạn có thể tưởng tượng, quan sát, phát triển não bộ một cách toàn vẹn nhất.
  • Đa phần các trung tâm dạy vẽ, cho các bạn tô màu dựa trên hình ảnh tạo bởi đường nét bao chung quanh phác thảo sẵn. Điều đó chỉ giúp các bé về màu sắc và độ khéo tay. Nó là chưa đủ. Gặp những bé trai hiếu động thì phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng. Các bạn này sẽ chọn những môn khác. Các bạn yêu thích vẽ thì sẽ mắc lỗi vì dễ bị đóng khung trí tưởng tượng, cảm xúc vào hình ảnh đã được phác sẵn. Tưởng tượng thế này, nếu phải vẽ về chuột, thì hàng loạt chú chuột Mickey sẽ xuất hiện trong mọi câu chuyện. Tô màu cho các bạn trẻ là chưa đủ, hãy tạo ra những mảng màu với hình dáng, cảm xúc nhìn nhận riêng.
Hình ảnh từ lớp Sóc Nhí – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Sóc Nhí – The R’art School

Tô các mảng màu với các bạn nhỏ là chưa đủ, tạo ra nó mới là điều thật sự cần thiết. Đã đến lúc thêm vào dòng sữa nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn thông minh tràn đầy mỹ cảm nhân văn.

2.2. Đối với thiếu nhi, độ tuổi tiểu học

  • Vấn đề gặp phải là các bạn vẽ chưa được. Phụ huynh và các bạn bị quan niệm xưa cũ trói buộc là mảng hình được giới hạn bằng những đường nét hoàn chỉnh. Đa phần đều chưa có khả năng tả thực. Số ít thì bị ảnh hưởng bởi đồ họa, minh họa, hoạt hình, truyện tranh chi phối. Các bạn bị sa vào và bị giới hạn đóng khung trí tưởng tượng. Các bạn biểu đạt vật thể gì cũng theo một hình thức mà thôi. Hoặc các sáng tác của bạn đều không đề cập đến ngữ cảnh. Câu chuyện thì xa rời thực tế và mất tính nhân văn … Thử điểm qua các cuộc thi trẻ em, các bức tranh đoạt giải đã có ý nghĩa từ cảm xúc chân thật hay chưa?
Hình ảnh từ lớp Sóc Chuột – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Sóc Chuột – The R’art School
  • Các trung tâm hội họa thường hay chọn cách dạy vẽ sao chép theo mẫu tranh, vẽ theo đường nét phác sẵn … Họ làm vậy để dễ dạy, và dễ được phụ huynh khen ngợi vì “sản phẩm” sẽ hoàn thành kịp lúc. Phụ huynh sẽ nhầm con mình có khả năng vẽ được nhưng thực tế chúng không thể vẽ được bất cứ cái gì theo ý chúng cả. Hoặc các khả năng khác chưa được đánh thức, rèn luyện một cách cần thiết, đồng hành và bổ trợ cho nhau.
  • Chúng ta phải kiên quyết nói không với việc dạy vẽ sao chép lại một tác phẩm hội họa. Các bạn có khả năng tả thực, chỉ là một điểm cộng trong khả năng hội họa tổng thể.
Hình ảnh từ lớp Sóc Chuột – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Sóc Chuột – The R’art School

“Hội họa không chỉ bắt đầu từ đường nét”

2.3. Đối với lứa tuổi thiếu niên (từ cuối tiểu học đến cấp hai)

  • Các bạn ở giai đoạn này thường pha màu theo cảm tính, hoặc tiếp thu cách thức pha màu có phần máy móc, khô cứng. Có lẽ đa phần không hiểu hòa sắc có do đâu? Không rõ điểm khởi đầu, không tạo được hòa sắc và sáng tạo theo cách riêng. Thử hỏi không có ánh sáng, chỉ toàn bóng đêm chúng ta có thấy được màu sắc hay không. Không hiểu bản chất không thể chủ động, và không thể sáng tạo.
  • Cái gốc của hòa sắc nó nằm ở màu xám. Màu xám này đừng nhầm lẫn với màu trắng pha với đen. Màu xám từ màu trắng pha với đen là màu xám của thang sắc độ. Trong khi màu xám từ cặp màu tương phản lại là màu trung tính do biến sắc, bù màu.
  • Và nữa, cái tính không gian của vật thể nó phản ánh thông qua bề mặt nhận sáng. Não bộ con người quen với như vậy. Một mảng hình đồng màu là một mảng hình phẳng. Một vật thể đồng màu có nhiều mảng hình xoay nhiều góc độ dĩ nhiên sẽ có nhiều mảng sắc thái. Tất cả chúng ta phải dùng hiện tượng trực quan và tiến hành phân tích. Đừng dùng những ngôn từ hàn lâm để giải thích, lúc này sẽ vượt quá khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ.
Hình ảnh từ lớp đom đóm xanh - The R’art School
Hình ảnh từ lớp đom đóm xanh – The R’art School

 

Ánh sáng, người thầy dẫn dắt nghệ thuật hình ảnh. Các bạn có thể đọc thêm thông tin tại đây https://rart.vn/anh-sang-nguoi-thay-dan-dat-nghe-thuat-hinh-anh/ .

  • Cứ mỗi lần sáng tác các bạn rất mất thời gian để tìm tư liệu dựng hình. Các tư liệu thì chẳng tuân theo cái bố cục ưng ý của chủ đề. Có lẽ lúc này, việc sao chép một ý tưởng nào đó (hay dùng tham khảo như là một cứu cánh) lại là một việc làm thuận tiện chăng? Các trung tâm hội họa hay lựa chọn cách làm này, chứ không biết cách nào để bố cục tạo hình vật thể như ý muốn.

    Thuận mắt ưa nhìn, đó là khoa học.

Hình ảnh từ lớp đom đóm xanh - The R’art School
Hình ảnh từ lớp đom đóm xanh – The R’art School

2.3. Với những bạn đam mê mong muốn sinh hoạt hội họa hoặc cảm thụ hội họa, nghệ thuật thị giác

  • Họ đã có thể vẽ được tranh như các tác phẩm nghệ thuật được chưa? Họ còn thiếu điều gì để biểu đạt những sáng tác của họ thành tác phẩm nghệ thuật? Có bao nhiêu hình thức biểu đạt nghệ thuật hội họa? Có bao nhiêu chất liệu để biểu đạt? chất liệu nào phù hợp với hình thức biểu đạt nào? Đâu là gốc rễ để tôi có thể tự tiếp thu, trải nghiệm với hình thức biểu đạt mà tôi yêu thích? Để chuẩn bị cho con đường hội họa chuyên nghiệp hay mỹ thuật ứng dụng tôi cần làm gì?
Hình ảnh từ lớp Tắc kè hoa – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Tắc kè hoa – The R’art School
  • Ở giai đoạn này, cách phân tích các vấn đề, chúng tôi chọn cách thức đặt vấn đề từ những câu nghi vấn. Vì sao? Vì vấn đề của họ trở nên rõ ràng, khúc chiết và thẳng thắn hơn. Nếu có câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên bạn đã thật sự khác biệt so với phần còn lại của quan niệm giáo dục hội họa xưa cũ rồi. Ở giai đoạn này, các bức tranh của họ sẽ bị vướng các vấn đề sau: Chưa thể đặc tả, còn kể lể, khô cứng, hòa sắc còn nhờ nhợ chưa thật sự trong trẻo, pha màu theo chất liệu chưa thuần thục, sợi dây liên kết bố cục chưa có, chưa có cách thức cách điệu, hiệu ứng hay bút pháp chưa rõ ràng, cứ bám sát vào chủ đề để thể hiện, chưa biết cách dùng một hình ảnh gần gũi thân quen để diễn tả gián tiếp một chủ đề lớn nên nặng về hình thức cổ động mà thiếu giá trị nhân sinh quan trong nghệ thuật.
  • Họ có thể là những học viên lớn mong muốn trải nghiệm hội họa. Trong số này chia ra nhiều loại. Có bạn bắt đầu đam mê, tò mò muốn thử thách bản thân, các bạn yêu hội họa nhưng chưa được tiếp cận. Số này không mấy tự tin cho là mình có thể vẽ. Cũng có bạn, hồi nhỏ đã tiếp cận nhưng vì hoàn cảnh đành bỏ dỡ cái đam mê của mình. Cũng có bạn muốn tiếp xúc với một hình thức biểu đạt hay chất liệu cụ thể nào đó mà không muốn theo đuổi một lộ trình dài theo chương trình chính cốt lõi của hội họa.
Hình ảnh từ lớp Tắc kè hoa – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Tắc kè hoa – The R’art School

2.4. Đối với những học viên muốn thi vào các trường mỹ thuật chuyên nghiệp

  • Họ phải được trải nghiệm với nghề nghiệp thông qua hội họa ứng dụng vào nó như thế nào.
  • Tiếp xúc với hình thức nghệ thuật thị giác từ tư duy bố cục tạo hình, phối cảnh, giải phẫu, …
  • Thực hành biểu đạt với góc độ nền tảng từ tư duy hình thức nghệ thuật, không chỉ đơn giản luyện tập vẽ đẹp. Nguyên tắc hình thức là sự thể hiện của hình thức về khía cạnh của nó tại bất kỳ thời điểm nhất định nào liên quan đến ánh sáng, cấu trúc và kết cấu của nó, cùng với mối quan hệ thực sự của nó với môi trường xung quanh.
  • Bằng cách dẫn dắt họ đến hình thức nghệ thuật thị giác đúng đắn, họ mới đủ đam mê và định hướng bản thân để theo đuổi nó và thành công trong tương lai.
  • Sau cùng phải làm cho họ hiểu rằng, nền tảng kiến thức không giúp chúng ta giàu có, nhưng chắc chắn nó giúp chúng ta trở thành người uy tín trong lĩnh vực ngành nghề của mình.
Hình ảnh từ lớp Kiến vàng, Ong thợ  – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Kiến vàng  – The R’art School

 

Hình ảnh từ lớp Ong thợ  – The R’art School
Hình ảnh từ lớp Ong thợ  – The R’art School

3. Kết luận

Việc giáo dục hội họa từ sớm cho các bạn nhỏ hoặc mở rộng hơn cho những người yêu thích, tìm hiểu hội họa, mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình là rất cần thiết trong đời sống chúng ta. Tác dụng của việc làm này là rất hữu ích, nó giúp xây dựng tư duy trí tuệ thông minh và trí tuệ cảm xúc, nó giúp chúng ta có được kỹ năng thẩm mỹ nghệ thuật và đưa nó vào mọi quyết định dành cho đời sống thực của chúng ta. Nó giúp chúng ta xây dựng những không gian tâm lý tích cực để cảm nhận đời sống của chúng ta.

Sau cùng việc giáo dục hội họa giúp chúng ta cảm thụ được nghệ thuật. Qua đó, mỗi một con người trong xã hội sẽ đều gìn giữ giá trị văn hóa, yếu tố vô hình nhưng là linh hồn của nền văn minh xã hội.

5 3 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận