BỐ CỤC TRANH VẼ

NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC CƠ BẢN CHO TRẺ EM

Hội họa nói chung là dành cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Mỗi người đều tiếp cận hội họa hay vẽ tranh với những góc độ và cách thức khác nhau. Những đứa trẻ của chúng ta cũng có thể tiếp xúc với các nền tảng nghệ thuật hội họa đúng đắn ở những mức độ cơ bản và phù hợp. Sau đây The R’art chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn những bố cục tranh vẽ cơ bản dành cho trẻ em, giúp bé có một nền tảng hội họa một cách dễ hiểu và tự nhiên nhất. Điều quan trọng là nó hoàn toàn đúng đắn với nền tảng bố cục của nghệ thuật thị giác.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng nghệ thuật hội họa là môn học chỉ nên xem như một phương thức giãn với các bé nhỏ tuổi. Điều này cũng đúng nhưng chưa đủ, vì với trẻ em sự học là sự khám phá vui chơi, học không chỉ nên là học, tuy nhiên các bé cũng cần được tiếp thu những kiến thức nền tảng đúng đắn bằng phương thức khám phá tìm tòi và vui chơi đó. Những nền tảng về nghệ thuật hội họa khi được học hỏi và trải nghiệm một cách đúng thì trong quá trình bé lớn lên những kiến thức đó sẽ thấu suốt bên trong một cách rất tự nhiên hỗ trợ những trải nghiệm khác liên quan tới sự cởi mở trong góc nhìn, nhận định, sự hiểu về những điều xung quanh.

Những đứa trẻ sẽ thường cảm thấy chán nản khi một cái gì đó quá khó không làm được, nhưng với các thứ mà chúng cảm thấy quá dễ dàng thì cũng mang lại một phản ứng tương tự. Đó là lý do tại sao The R’art chúng tôi cho rằng mọi sự hiểu biết nên được gieo mầm ngay từ đầu, đương nhiên chúng sẽ được gửi gắm với các phương thức thoải mái và tự nhiên nhất. Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn kiến thức về bố cục tranh vẽ nghệ thuật thị giác cơ bản dành cho trẻ em, bạn có thể áp dụng cho con của mình. 

1. Những bố cục tranh vẽ thường thấy

Các bạn hãy quan sát vào bức tranh dưới đây trong vòng 10 giây và sau đó chúng tôi sẽ có một vài câu hỏi dành cho bạn. 

Tranh vẽ về rừng cây rộng lớn và lối đi về một hướng – nguồn Internet
Tranh vẽ về rừng cây rộng lớn và lối đi về một hướng – nguồn Internet

Bạn nhớ gì về bức tranh này?

Có phải rằng bạn nhớ đây là một rừng cây và có lối đi ở giữa không?

Hay nói chính xác hơn, hình ảnh đọng lại trong tâm trí bạn là lối đi ở giữa và bạn gần như không còn nhớ, để ý quá nhiều về hai rìa cây được vẽ rất tỉ mỉ đúng không? 

Trước hết chúng ta cùng phân tích tranh vẽ rừng cây phía trên nhé!

Người vẽ thể hiện một cánh rừng với bút pháp nhẹ nhàng, thoáng đạt. Sức hút thị giác về phối cảnh một điểm tụ khoảng giữa tranh, nơi đường chân trời. Các lớp sắc độ cũng được sắp xếp theo tư duy bố cục hút về điểm thị giác này, tuy nhiên chỉ mang hơi hướng chứ chưa thật sự rõ ràng. Về bố cục màu, màu vàng cam là nhóm màu nổi bật chưa có mặt ở vùng hút thị giác. Đường dẫn thị giác hầu như không có, chỉ tồn tại một điểm hút thị giác là điểm tụ trên đường chân trời khoảng giữa tranh, nơi ấy có giá trị sắc độ sáng. Mắt người xem bị dán chặt, giam cầm tại điểm hút thị giác này. Người xem bị ám ảnh bởi điểm thị giác này, họ không thoát ra được. Vùng bên trái và bên phải không có giai điệu đường nét, sắc độ, màu sắc gì cả. Vì thế người xem chỉ nhớ về bức tranh ở khu vực giữa tranh, nơi thị giác bị “giam hãm”. Đó là sự “ám ảnh” thị giác gọi tắt là “ám thị”. Bức tranh giờ đây sẽ được nhớ đến rút gọn như vùng vẽ bên trên. Chúng tôi cắt xén tinh gọn lại, và có lẽ trong tâm trí ai sau thưởng lãm cũng là như thế!

Thật đáng tiếc khi kỹ năng vẽ đẹp với bút pháp trau chuốt từ kinh nghiệm năm tháng giờ đây trong mắt người thưởng lãm chỉ đọng lại một chút về bức tranh. Phần bên trái và bên phải của mảng giữa hút thị giác, mặc dù được vẽ diễn đạt trình diễn bút pháp vẫn không được người xem chú ý hoặc nhớ đến.

Đơn giản vì hai phần bên phải và bên trái tranh không được sắp xếp theo bố cục hình thức thị giác nào cả. Tới đây các bạn có thể hiểu chúng ta cần nhiều hơn một hiệu ứng bút pháp hay kỹ năng nào khác để nâng bản vẽ thành hình thức nghệ thuật thị giác. 

Khi chúng ta không biết cách bố trí, bố cục một bức tranh vẽ thì khi càng cố vẽ chi tiết, khắc họa càng nhiều thì chúng ta cũng không thể liên kết hết tất cả chúng lại và điều này dễ làm tranh vẽ bị rối mắt, điểm hút thị giác bị mất dần theo. 

Vì vậy không chỉ dừng lại ở kỹ năng vẽ đẹp, đặc biệt và với các bé nhỏ tuổi, vẽ đẹp là điều cần rèn luyện theo năm tháng nhưng đó không phải là toàn bộ để đánh giá một đứa trẻ có khả năng vẽ hay không. Điều chúng cần ở giai đoạn này là một tư duy sắp xếp, bố cục, làm sao để người xem có thể nhớ ngay toàn bộ câu chuyện mà các bé muốn truyền đạt. 

2. Những yếu tố dẫn đến sự thiếu liên kết trong tranh vẽ

Qua những dòng phân tích tranh bên trên, các bạn có thể thấy những vùng dư thừa không được quan sát tới. Ta đặt ra những câu hỏi như là những vùng vẽ nào có thể dễ dàng bị dư thừa? Các yếu tố nào trong tranh vẽ sẽ làm cho thị giác của con người bỏ qua? Sau đây là 4 yếu tố làm cho tranh thiếu tính kết và dễ dàng trở thành phần thừa trong đôi mắt người thưởng lãm cũng như chúng tôi sẽ chỉ cho bạn thế nào là lối thoát thị giác.

2.1. Sự đơn điệu

Những bức tranh vẽ phát triển đường nét sắp xếp tuần tự theo những đường nét đứng, hoặc những mảng sắc độ đan xen đơn điệu đứng. Nó cũng có thể kết hợp với những đường nét, mảng sắc độ, màu chồng chất lộn xộn, ngẫu nhiên. Cho dù sự ngẫu nhiên này có thể có được từ quan sáng ánh sáng, màu sắc trong thực tế.

Tranh vẽ rừng cây mang sự đơn điệu, dù cắt bỏ đi phần nào cũng không ảnh hưởng tới chủ đề người vẽ thể hiện – Nguồn Internet
Tranh vẽ rừng cây mang sự đơn điệu, dù cắt bỏ đi phần nào cũng không ảnh hưởng tới chủ đề người vẽ thể hiện – Nguồn Internet

2.2. Sự rời rạc, phức tạp, thiếu liên kết của các mảng hình

Hai bức tranh vẽ bên dưới hình thành hai mảng hình, một thuộc về bầu trời một thuộc về mặt đất. Trên mỗi mảng hình này các yếu tố mảng hình hình có vẻ như có liên kết, nhưng sự liên kết này không xuyên suốt để kết nối hai mảng hình chính lại với nhau. Và thế là sẽ xảy ra hiện tượng thị giác rối rắm, não bộ sẽ nhớ về mảng hình nào đây. Khi có hai mảng hình rời rạc như vậy, não bộ sẽ từ chối và sẽ không ghi nhận gì cả. Tả thực, ấn tượng, hay trừu tượng,… đều không thể thu hút thị giác. Đường nét không chỉ đơn điệu – sắc độ – màu sắc cũng vậy, hoặc có kết nối nhưng tách biệt không thống nhất xuyên suốt cũng không thể thu hút thị giác, nó để lại sự ức chế khi xem.

Bố cục tranh vẽ rời rạc thiếu liên kết mặc dù sự phức tạp trong biểu đạt là có - Nguồn Internet
Bố cục tranh vẽ rời rạc thiếu liên kết mặc dù sự phức tạp trong biểu đạt là có – Nguồn Internet

2.3. Tính giai điệu và hòa âm (Chính – phụ)

Bức tranh vẽ bên dưới phát triển đường nét, mảng màu, hiệu ứng đều khắp bức tranh. Các đường nét của rặng đảo thì liên kết nhau nhưng các đường nét thuộc đại dương thì dường như chưa hỗ trợ. Giai điệu thị giác bám dọc theo rặng đảo. Hướng thị giác bị xô lệch qua bên trái. Phần đại dương bên phải không bám theo hoặc hỗ trợ vào giai điệu. Vùng bên phải tranh này thật sự là không cần thiết. Chúng ta có thể tả đến chân thật tự nhiên nhưng để nó mang tính thị giác nghệ thuật thì cần phải có những nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt. Trong nghệ thuật, bạn được phép thậm xưng thêm, hoặc chắt lọc bớt đi để những gì bạn vẽ đều có ý nghĩa của nó.

Bố cục giai điệu thiếu tính nhất quán tổng thể giữa chủ đề và bao cảnh – Nguồn Internet
Bố cục giai điệu thiếu tính nhất quán tổng thể giữa chủ đề và bao cảnh – Nguồn Internet

2.4. Sự giam hãm thị giác

Một vài tác phẩm rõ ràng có sức hút thị giác và chủ đề qua đó được biểu đạt gọn gàng bằng xu hướng thị giác rõ ràng, nó thường xuất hiện trong các bức tranh vẽ đặc tả, chủ đề đơn lập (chỉ để thể hiện duy nhất cái hướng đến, hoặc chủ đề thống lĩnh (hình ảnh, cảm xúc, hành động,…), hoặc một điều gì đó chơi vơi giữa không gian mờ ảo. Điều đó là tốt khi chủ đích bạn muốn biểu đạt như thế. Cùng xem các minh họa trang sau để cảm nhận điều đó.

Nhưng bất cứ chủ đề được xây dựng bằng sự kết nối thị giác nào và sau đó bị hút thị giác về một vùng nào đó rất dễ dẫn đến sự giam hãm thị giác. Nó tạo một hiệu ứng thị giác ám ảnh ảnh – ám thị. Toàn bộ tuyến đường dây giai điệu chủ đề sẽ bị lãng quên vị ám ảnh thị giác gây nên tại nơi thị giác hút về. Người xem chỉ nhớ tại vùng vẽ cuối cùng đó, các chủ đề, câu chuyện, nội dung xây dựng trước đó sẽ không ai nhớ nổi. Người xem bị rơi vào trạng thái ám ảnh. Kịch tính được đẩy lên rất cao. Trong các phim hành động, tâm lý sâu thường hay sử dụng để xoáy mạnh vào vấn đề kịch bản trọng tâm.

Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet
Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet
Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet
Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet
Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet
Sự giam hãm thị giác xảy ra khi bố cục tranh vẽ không tạo đường dẫn vào và ra khỏi tranh – nguồn Internet

Các giai điệu chủ đề càng xa điểm hút thị giác sẽ càng dễ dàng bị lãng quên. Giai điệu chủ đề cần một đường dẫn thị giác: một lối thị giác đi vào và một lối thị giác thoát ra khỏi tranh để không bị ám ảnh do bị giam hãm.

Lối thoát thị giác là như thế nào?

Quan sát tranh vẽ bên dưới: bạn thấy đường dẫn thị giác sẽ đi uốn khúc dọc quanh chủ đề bao gồm những hòn đá sắp xếp mang tính đường dây giai điệu zigzag. Có một đầu vào bức tranh và một đầu thoát ra. Đường dẫn thị giác đi theo suốt giai điệu, cùng khắp bức tranh. Người xem sẽ nhớ nội dung bức tranh thông qua giai điệu chủ đề xây dựng.

Tranh vẽ một con suối nhỏ với dòng chảy của chúng, dòng chảy được xem như bố cục như là một lối dẫn thị giác – Nguồn Internet.
Tranh vẽ một con suối nhỏ với dòng chảy của chúng, dòng chảy được xem như bố cục như là một lối dẫn thị giác – Nguồn Internet.

Tranh vẽ một con suối nhỏ với dòng chảy của chúng, dòng chảy được xem như bố cục như là một lối dẫn thị giác – Nguồn Internet.

Bất cứ tác phẩm nào có sự sắp xếp bố cục thị giác bạn đều thấy rõ ràng đường dẫn thị giác và đường dây liên kết các mảng hình chủ đề tạo thành giai điệu trong tranh.

  • Các mảng hình đều phát triển theo đường chéo.
  • Kết hợp các đường chéo tạo thành một đường zigzag.
  • Càng nhiều các đoạn zigzag, chủ đề có nội dung càng dài, càng phức tạp.
  • Sự lan tỏa thị giác do đó đi khắp bức tranh. Người xem sẽ ngắm nhìn bức tranh lâu hơn, trên khắp các phạm vi vẽ, theo thứ tự sơ đồ bố cục chủ đề. Hướng ánh mắt người xem theo giai điệu cảm xúc của người nghệ sĩ.
  • Có đường dẫn thị giác với một vị trí đi vào và một vị trí thoát khỏi tranh. Thị giác không bị giam hãm và do đó không bị ám ảnh thị giác. Người xem sẽ nhớ hết toàn bộ chủ đề. Cảm xúc lắng đọng xuyên suốt nội dung chủ đề biểu đạt.
  • Bố cục các mảng hình đường chéo trùng với thói quen tò mò của thị giác não bộ khi quan sát. Não bộ thường muốn di chuyển nhanh. Đường chéo là phù hợp hơn là những sắp đặt tuần tự đơn điệu và gián đoạn theo dọc hoặc ngang như trong phần đầu đã nói.
  • Khi phát triển đường nét, mảng hình theo đường chéo, không có phạm vi nào của bức tranh có thể bị cắt rời hoặc loại bỏ

3. Bố cục tranh vẽ nghệ thuật thị giác cơ bản dành cho trẻ em

Chính vì những lý do trên, The R’art chúng tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển những phương pháp, bố cục đường chéo giúp những học viên nhỏ tuổi của mình có thể sáng tạo ra những tác phẩm không chỉ dừng lại ở hiệu ứng bút pháp duy mỹ mà còn là nghệ thuật thị giác một cách đơn giản phù hợp với từng lứa của các bé nhất.

Trước tiên, bạn phải có một câu chuyện. Câu chuyện này thì không hề có với những đứa trẻ, đó có thể là một kỷ niệm hay có thể xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của bé đều được. Bạn cần phải giúp bé xác định rằng trong câu chuyện đó có bao nhiêu nhân vật hoặc sự vật chính, nằm trong bối cảnh như thế nào. 

Sau đây, chúng tôi sẽ lấy câu chuyện và tranh vẽ của một học viên nhỏ tuổi tại The R’art school để ví dụ. Câu chuyện của bé học viên kể về một gia đình sóc và những hoạt động của các thành viên từ sóc mẹ, sóc bố đến sóc con, trong một khu rừng.

Tranh vẽ minh họa của học viên lớp Đom Đóm Xanh tại The R’art school
Tranh vẽ minh họa của học viên lớp Đom Đóm Xanh tại The R’art school

Tiếp đến, bạn cần hỏi trẻ rằng hướng nhìn trong trí tưởng tượng của con để bạn xác định được vị trí của các nhân vật từ góc nhìn của người vẽ. 

Vẽ một đường nằm ngang bất kỳ mà không thuộc tỷ lệ ½ hay ¼ hay ⅙ , chia cắt tờ giấy và đường thẳng đó sẽ tạo nên trong tranh hai hình chữ nhật. Mỗi đường hình chữ nhật hình thành nên một đường chéo và chỉ được sử dụng một đường chéo mà thôi, không được vẽ thêm một đường chéo ngược lại. Lý do là bởi vì khi đặt sự vật trên hai đường chéo đó sẽ tạo nên một sự đối xứng, ngang bằng trừ khi đó là điều bạn mong muốn. Nhiều đường thẳng sẽ tạo nhiều hình chữ nhật cũng như nhiều đường chéo khác nhau. Mỗi sự vật sẽ được đặt để trên một đường chéo đó. Khi bạn muốn kết nối nhân vật A với nhân vật B thì hai nhân vật này cần được liên kết với nhau bằng đường chéo. 

Như tranh vẽ gia đình sóc ở trên, nhân vật sóc mẹ là nhân vật chính đứng ở góc cây đang nấu đồ ăn chờ sóc bố mua thêm rau củ về. Sóc mẹ đứng ở vị trí mà sức hút thị giác hướng về. Sóc mẹ và sóc bố được liên kết bởi hình đường chéo của hình chữ nhật góc trái. Việc cho sóc bố hướng về phía sóc mẹ cũng đang tạo chiều hướng thị giác về sóc mẹ. Phía trên góc phải là phác thảo hình dáng sóc con, sóc mẹ và sóc con cũng được liên kết bởi đường chéo trong hình chữ nhật dài góc phải. Rồi từ sóc con lại như đang chơi trò chơi lấy cái nhành cây khều những quả trứng của chim. Cả nhành cây của sóc con đang cầm, và cành cây to nâng đỡ tổ chim cũng cùng tạo hướng thị giác kết nối thân cây, sóc mẹ, sóc con. 

Những sự vật xung quanh của bao cảnh như nồi canh và nhóm củi ở góc phải có nhiệm vụ thứ nhất là liên kết với nhân vật chính là sóc mẹ và nhiệm vụ thứ hai là chặn thị giác, nơi có thể làm loãng đường dây vì sự trống trải quá mức đó. Thậm chí cả cái cây nhờ bên trái phía sau cũng có nhiệm vụ chặn thị giác tương tự như nồi canh và nhóm củi. 

Chúng ta phải hiểu và biết cách linh hoạt chặn hay mở đường thị giác cho người xem tùy vào mong muốn của câu chuyện mà các trẻ đưa ra. Các bạn có thể giải thích với các con một cách trực quan trong mỗi lần đặt để các nhân vật bằng các câu hỏi như là “Con muốn nhân vật chính hay tầm nhìn về hướng nào?”, “Con có thử nhắm mắt và mở mắt ra nhanh xem con có thấy chỗ này quá trống và con sẽ bị phân tâm không nhìn được nhân vật của con đã vẽ không?”, “Nếu con muốn người khác tập trung vào sự vật con đã vẽ, không bị chỗ trống làm loãng thì con nên vẽ thêm gì nhỉ?”…

Tùy theo độ tuổi mà các bạn hoàn toàn có thể có ít nhân vật hơn hay có những câu hỏi đơn giản dễ hiểu hơn. Tùy theo tính cách của từng bé, bạn nên có thêm những lời khen trong từng giai đoạn của tranh vẽ và phải bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất. Những đứa trẻ cần cảm thấy chúng đang khám phá ra được gì đó và chúng có khả năng làm được ở những mức độ khác nhau, và cũng không nên chỉ dừng lại, lặp đi lặp lại nhiều khi chúng đã hiểu vì các bé sẽ cảm thấy chán. 

Phương pháp bố cục đường chéo này có thể áp dụng thay thế cho tất cả những bố cục khác như bố cục chữ T, bố cục chữ C, bố cục đối xứng, bố cục chữ Y,… hay cũng có thể khai thác thành bố cục tỷ lệ vàng nổi tiếng phổ biến mà nhiều người đã biết.

Bố cục tỷ lệ vàng (trái) và bố cục tam giác (phải)
Bố cục tỷ lệ vàng (trái) và bố cục tam giác (phải)

Tại The R’art school chúng tôi, các bé ở khóa Sóc Chuột nhỏ tuổi đã áp dụng được bố cục tranh như thế này bằng phương pháp ghim các sự vật hay nhân vật vào khung tranh canvas ở những hoàn cảnh khác nhau.

Hình ảnh các bé khóa Sóc Chuột đầy hào hứng khi được học bằng cách trực quan về bố cục tại The R’art School
Hình ảnh các bé khóa Sóc Chuột đầy hào hứng khi được học bằng cách trực quan về bố cục tại The R’art School.

Cùng với phương pháp bố cục đường chéo này, cứ nâng dần mức độ theo sự hiểu của các bé. Tranh của các bé mỗi lúc đa dạng từ nội dung câu chuyện đến sự khai thác các bố cục tranh khác nhau kèm với sự rèn luyện kỹ năng biểu đạt theo năm tháng. Khi tiếp cận hội họa một cách đúng đắn các bé vừa có đường hướng phát triển hội họa, phát triển tư duy, học và hiểu mình đang học gì, vừa lại vô cùng thoải mái khám phá các chất liệu màu sắc cũng như hình thức học đa dạng.

Hình ảnh các bé khóa Sóc Chuột đầy hào hứng khi được học bằng cách trực quan về bố cục tại The R’art School
Hình ảnh các bé khóa Sóc Chuột đầy hào hứng khi được học bằng cách trực quan về bố cục tại The R’art School

 

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận