Bố cục sức hút thị giác của đường nét 1. Bố cục sức hút thị giác dựa trên phối cảnh Không thể vẽ một cách chính xác nếu không cân nhắc đến bước xác định điểm quan sát và tầm nhìn hay còn gọi là bước thiết lập điểm mấu chốt. Điểm quan sát được...
Bố cục giai điệu/ âm giai đường nét 1. Ví dụ về bố cục giai điệu/ âm giai của đường nét Bố cục giai điệu/ âm giai của đường nét nghĩa là bạn có thể dùng đường nét chia tỷ lệ, chiều hướng từ những tranh vẽ chân dung cho đến những tranh vẽ phong...
Các loại bố cục của đường nét trong tranh vẽ! (phần 2) Bố cục kết nối đường nét Có 5 nguyên tắc bố cục đường nét thường được các nghệ sĩ sử dụng để xây dựng sức hút thị giác trên hình thức nghệ thuật. Chúng có thể được áp dụng độc lập cho giai...
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng và không thể phủ nhận ở nhiều khía cạnh của cuộc sống và sức khỏe con người. Mọi sinh hoạt hằng ngày sẽ dễ dàng thực hiện khi có ánh sáng, kể cả nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo. Thực tế chúng ta đang có hệ miễn dịch kém do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay dễ mắc các bệnh về xương vì thiếu vitamin D. Mà vitamin D chẳng đâu xa lạ, có ngay trên các tia nắng sớm mà ta dễ dàng thấy được. Vitamin D còn giúp tổng hợp các vi lượng cần thiết cho sức khỏe, thể chất con người. Chúng ta đang sợ ảnh hưởng đến làn da sẽ bị đen nám mà quên đi nhu cầu cho sức khỏe cần bổ sung đầy đủ các loại vitamin. Trong thực tế, ánh sáng tạo nên sự sống cho muôn loài.
Thật kỳ lạ, trong mỹ thuật tạo hình đặc biệt là hội họa, ánh sáng tác động đến mảng hình, màu sắc và cả bố cục. Các yếu tố này tạo sự chắc chắn cho một tác phẩm nghệ thuật thị giác. Ánh sáng như một liều “vitamin D” cho mọi cấu trúc thuộc về hình thức nghệ thuật thị giác. Chúng tôi phát biểu như thế, không có gì là xa rời với nghệ thuật cả. Mà chúng tôi muốn dùng từ ngữ thuộc về khoa học sức khỏe để ví von, ẩn dụ với mong muốn mọi người hiểu rằng trong hội họa ánh sáng quan trọng như thế nào. “Ánh sáng, người thầy dẫn dắt nghệ thuật hình ảnh” là câu kết quan trọng của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và thực hành biểu đạt, cũng nhưng nghiên cứu để biên soạn các chương trình giáo dục hội họa. Dạy vẽ cho mọi lứa tuổi từ trẻ em, thiếu nhi đến các bạn trẻ đam mê thực hành hội họa và các bạn luyện thi vào các trường đại học Mỹ Thuật, Kiến Trúc, …
2. Ánh sáng trong hội họa, mỹ thuật tạo hình nói chung.
Các bạn vẽ tranh có đang loay hoay xây dựng ánh sáng cho tác phẩm của mình không? Hãy cùng chúng tôi đơn giản vấn đề này nhé. Đầu tiên chúng ta cần xác định nguồn sáng chính tác động đến tác phẩm của mình là ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo.
Mặt trời phân tách sắc độ ánh sáng khá rõ ràng, tùy theo sự lựa chọn của người họa sĩ mà tác phẩm của họ thuộc vào ngữ cảnh nào. Ánh sáng mặt trời sẽ giúp thể hiện được hòa sắc chung của bức tranh.
Buổi bình minh mang lại hòa sắc ấm áp với gam màu hồng, cam, đỏ, và vàng. Màu sắc này toát lên cảm giác giác ấm cúng và tạo ra không khí yên bình, tĩnh lặng. Ánh sáng bình minh có đặc điểm nhẹ nhàng, tươi sáng và giúp cho các vật thể có sắc độ nhạt và bóng đổ mềm mại.
Buổi trưa có ánh sáng rất mạnh, thời điểm này mặt trời lên cao tạo ra ánh sáng trực tiếp với sắc trắng. Trong điều kiện này ánh sáng tạo ra những bóng đổ ngắn, rõ ràng và sắc nét.
Ánh sáng buổi chiều mang đến một không khí khác biệt so với buổi sáng và buổi trưa. Ánh sáng chiều thường mang theo màu sắc ấm áp, với gam màu đỏ, cam, và vàng. Cảnh quan trở nên rực rỡ với hiệu ứng màu đỏ hoàng hôn đặc trưng. Buổi chiều, khi mặt trời lặn tạo ra góc chiếu dài. Điều này làm cho bóng đổ dài mềm mại và tạo cảm giác ấm áp, lãng mạn.
Buổi tối là thời điểm mặt trời đã lặn hoàn toàn hoặc chìm xuống bên dưới đường chân trời, lúc này không còn ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Ánh sáng trong buổi tối thường xuất phát từ ánh trăng, nhưng chủ yếu là ánh sáng nhân tạo của nhà cửa, đèn đường, … Ánh sáng buổi tối thường có cường độ yếu, nhưng màu sắc đậm đà hơn so với ánh sáng ban ngày. Các gam màu xanh dương, đen, và màu đỏ đậm chiếm ưu thế tạo ra một không khí ấm áp và tinh tế.
Ánh sáng nhân tạo là ánh sáng được tạo ra bởi con người thông qua các nguồn sáng như đèn led, đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt và các thiết bị chiếu sáng khác. Ánh sáng nhân tạo được sử dụng để chiếu sáng trong những không gian không có hoặc có rất ít ánh sáng tự nhiên hoặc để tạo ra hiệu ứng ánh sáng đặc biệt trong nghệ thuật và thiết kế. Nguồn sáng nhân tạo rất đa dạng về màu sắc: Màu vàng hoặc cam, thường có nhiệt độ màu thấp dưới 3000K; màu trắng hoặc trắng ấm, với nhiệt độ màu khoảng 3500K đến 4500K; Ánh sáng mát có màu trắng xanh hoặc xanh dương, với nhiệt độ màu cao hơn 4500K; … Bóng đổ của vật thể có độ sắc nét hay dài ngắn phụ thuộc vào cường độ ánh sáng của nguồn sáng nhân tạo và hướng sáng.
Cả hai nguồn sáng tự nhiên và nhân tạo đều là trợ thủ đắt lực tạo nên sức sống cho bức tranh. Mỗi loại nguồn sáng có ưu nhược điểm khác nhau, ánh sáng tự nhiên cho ta những tia nắng giàu cảm xúc chân thật, nhưng bất lợi khi phải phụ thuộc vào hướng sáng và thời gian của ngữ cảnh mang lại. Mặt khác đối với nguồn sáng nhân tạo, người họa sĩ có thể chủ động sắp đặt sao cho phù hợp chủ đề của tác phẩm. Do là ánh sáng nhân tạo nên khi ta kết hợp vào tranh phải thật tinh tế làm sao cho tác phẩm mang lại cảm xúc chân thật nhất.
3. Tính chất của ánh sáng ảnh hưởng lên màu sắc.
Đi sâu vào vấn đề là sự tác động trực tiếp của ánh sáng lên màu sắc của tranh vẽ. Màu sắc là con đẻ, là mọi hiệu ứng từ ánh sáng – Màu sắc có từ ánh sáng.
Màu sắc mà chúng ta phân biệt từ ánh sáng là những cảm giác: Sự phản chiếu của ánh sáng trên những vật thể màu sắc ; Màu của vật thể mà ta cảm nhận được là sự cộng hưởng của màu ánh sáng với màu của bản thân vật thể đó, màu của các sự vật lân cận tác động vào, màu của bầu khí quyển đang bao bọc chung quanh đó nữa.
Theo quang học: Khi luồng áng sáng trắng đi qua lăng kính mặt trời thì tách ra 7 sắc gồm: Vàng, cam, đỏ, lục, lam, chàm, tím. Trong hội hoạ thì màu là những chất liệu cụ thể do những sắc tố được chiết ra từ khoáng chất, hoá chất, thảo mộc được gọi là màu sắc tố. Ba yếu tố cơ bản của màu sắc: Sắc là độ đậm hoặc nhạt của một màu nào đó khi pha trắng hoặc pha đen; Độ sáng hoặc tối của một màu, là tác dụng liên kết giữa các độ đậm nhạt này với độ đậm nhạt kia; Cường độ là mức độ mạnh hay yếu của một màu nào đó (thị giác cảm nhận được độ tươi thắm) do sự kích thích thị giác.
4. Màu chủ đạo – màu của ánh sáng bao trùm ngữ cảnh, bao cảnh trong tự nhiên và hội họa.
Màu chủ đạo là màu chiếm diện tích trội nhất trong toàn bộ không gian, chi phối toàn bộ hoà sắc của không gian. Một không gian trang trí có màu chủ đạo như một bản nhạc có chủ âm. Màu chủ đạo còn tuỳ thuộc vào đề tài, không gian, thời gian, vị trí sử dụng, tâm sinh lý người sử dụng, ý đồ, tình cảm. Áp dụng thực tế bất cứ nơi nào có ánh sáng, nơi đó có màu sắc. Nếu chúng ta chui vào một căn phòng tối om, chúng ta không thể nào biết được màu sắc của vật thể. Chúng ta thường nghĩ rằng, màu sắc đứng độc lập với nhau. Màu chúng ta thường nhìn thấy luôn luôn bị ảnh hưởng bởi những màu xung quanh. Đúng hơn nó chính là sự kết hợp của những yếu tố xung quanh. Ban ngày chúng ta nhìn rõ màu sắc hơn ban đêm, tức là quang độ ảnh hưởng đến nhận biết màu. Vào ngày nắng màu sắc trông nhạt hơn, khi trời nhiều mây sắc trong “thắm” hơn. Khi trời tối, màu sắc trông rất đậm đến đậm đen và chuyển thành màu đen nếu không còn ánh sáng. Đến khi màn đêm buông xuống, tất cả sự vật đều chìm trong một màu đậm đen và cho đến khi đều là màu đen. Như vậy màu sắc của sự vật trong tự nhiên phụ thuộc vào ánh sáng ngữ cảnh hay bao cảnh.
Bên cạnh đó ánh sáng còn có màu sắc của bản thân nó nữa. Ban ngày ánh sáng gắt, dải màu quang phổ ánh sáng tổng hợp thành màu trắng. Buổi bình ánh sáng có màu vàng cam đậm đến cam sáng. Hoàng hôn, cũng có nhóm màu này nhưng cộng hưởng thêm sắc xanh dương, thành ánh tím thơ mộng. Rồi còn ánh sáng nhân tạo, với muôn vàn màu sắc của nó. Tất cả màu sắc này khi phản chiếu trên bề mặt vật thể và giữa các vật thể với nhau phản chiếu qua lại, tạo ra vô vàn sắc thái khác nhau.
Khi biểu đạt hay thực hành vẽ hội họa, dù bạn là người mới học vẽ cho đến những họa sĩ thành danh, đều thực hành với những điều cơ bản này xuyên suốt thời gian làm việc, suốt cuộc đời lao động nghệ thuật.
5. Màu đen trong hội họa.
Từ những phân tích trên, khi cường độ ánh sáng tăng cao màu nhạt hơn. Nếu cường độ ánh sáng cực gắt thì sự vật mất màu sắc biến thành màu trắng xám đến trắng. Khi cường độ ánh sáng giảm dần, màu sắc sẽ đậm hơn gần với màu tối đen. Nếu cường độ ánh sáng giảm đến tận cùng thì sự vật mất màu sắc biến thành màu đen. Đấy là tất cả những phân tích nhận xét giải thích về ba yếu tố cơ bản của màu sắc thông qua sự ảnh hưởng đến từ ánh sáng.
Nắm bắt hiện tượng khoa học này chúng ta áp dụng thế nào vào hội họa nhỉ!
Màu đen được chúng ta pha vào màu sắc nào đó khi chúng ta muốn nó đậm và rõ hơn. Nhưng nếu dùng nhiều màu đen pha vào thì lại đang có ý vẽ vật thể chìm vào trong phần tối, phần khuất. Khi ấy có thể đó là cách thức chúng ta muốn giảm sự tương phản các vùng màu nóng lạnh bằng cách che giấu bớt vật thể màu tương phản trong tranh. Màu đen trong hội họa hạn chế sử dụng, vì sao thế? Đơn giản màu đen qua phân tích từ trên chỉ tồn tại khi hoàn toàn không có ánh sáng, hoặc màu đen là màu của vật thể. Ở trường hợp màu đen xuất hiện khi không còn ánh sáng thì nó không có ý nghĩa trong hội họa. Chả có ai vẽ một bức họa toàn màu đen chỉ để miêu tả bóng đêm. Ở trường hợp màu đen là màu của vật thể, nếu quan sát kỹ dưới vùng ánh sáng màu đen thì không còn là màu đen, nó đã biến thành màu xám sáng đến sẫm. Vùng đen hoàn toàn của vật thể miêu tả trong tranh còn lại cuối cùng chỉ là vùng nhỏ khuất hoàn toàn trong tối. Chính vì thế các bạn hãy từ bỏ thói quen dùng chì 8B để viền các vật thể ở gần lại nhé. Giờ đây chì 8B được xem là cây màu màu đen, dùng để miêu tả vùng tối mảnh nhỏ của sự vật thôi. Hãy chỉ miêu tả vùng tối, nét tối của vật thể bằng chì 8B, mà không dùng chì 8B miêu tả vùng sáng của vật thể nữa. Hãy thử trải nghiệm đều này với sự am hiểu về kiến thức vừa học, bức tranh của bạn sẽ đẹp hơn, mỹ cảm nhiều hơn, chắc chắn thế.
Khi vật thể được miêu tả tinh tế đến chi tiết vùng màu đen, tức là chúng ta đang cố diễn đạt vật thể kỹ càng hơn, đến ánh sáng tác động lên vật thể, đến vùng tối của vật thể thì đối tượng vẽ sẽ có tính không gian hơn, chiều sâu hơn qua phần diễn đạt sáng tối đó.
Trong hội họa chúng ta dùng cách thức này rất nhiều, đặc biệt ở bộ môn hình họa vẽ chân dung bắt đầu bằng chì đến màu. Trong bộ môn ký họa nếu chúng ta không quan sát được và không biểu đạt được vùng tối thì không thể vẽ ký họa đẹp được. Nhiều bức ký họa nghệch ngoạc nhưng rất có hồn theo lối phóng tác, các họa sĩ chỉ đơn giản nghệch ngoạc vào vùng tối của đối tượng vẽ mà thôi. Họ đang vẽ vào vùng tối đấy!
6. Màu trắng trong hội họa.
Màu trắng được chúng ta thêm vào màu sắc khi nào chúng ta muốn chúng trong mờ hơn, nhạt hơn, hòa với cảnh sắc ngập ánh sáng hơn. Nhưng thực tế không bao giờ chúng ta có màu hoàn toàn trắng, chỉ có màu xám gần trắng trong hội họa mà thôi. Vùng hoàn toàn trắng thực sự chỉ xuất hiện rất mảnh, nhẹ trong tranh dùng để miêu tả vùng chói sáng của vật thể (thủy tinh, sành sứ trắng, …). Màu sáng trắng rất dễ dàng bị tác động bởi các màu sắc khác (tán xạ ánh sáng) từ các vật thể khác. Nên chúng ta có màu xám trắng ửng vàng, đỏ, xanh, … Do hiện tượng nhiễm màu từ các vật thể đứng gần.
Vậy thì dùng màu trắng và trắng xám khi nào và như thế nào trong hội họa nhỉ?
Đầu tiên hãy nghĩ đến màu trắng sáng sẽ làm bức tranh hòa sắc, cảnh sắc trông sáng sủa hơn. Trong khi màu đen được dùng khi mong muốn cảnh sắc ngược lại, tối hơn. Hãy pha thêm màu trắng vào các nhóm màu của vật thể khi muốn miêu tả vùng sáng trên vật thể đó. Hãy tập quan sát tinh tế hơn, phát hiện vùng sáng tối nhiều hơn, chia càng nhiều sắc độ càng làm trong trẻo bức tranh, đối tượng vẽ. Và khi ấy càng “tả thực” hơn về đối tượng vẽ. Chúng ta dùng màu trắng xám ửng màu bên cạnh khi mong muốn vật thể hòa nhập vào vùng màu chung quanh. Điều này thấy rất rõ ràng thông qua việc miêu tả cảnh vật ở xa, bao cảnh tất cả trông đều nhạt nhòa.
Tác phẩm được sử dụng màu trắng thể hiện hòa sắc và cảm xúc chung của tác phẩm. Lúc này màu trắng còn đóng góp vai trò quan trọng thể hiện không gian xa gần của tác phẩm.
7. Sắc thái, cường độ màu trong tối và sáng.
Ứng với mỗi sắc tố, tùy vào sự phản chiếu về cường độ, và màu sắc của ánh sáng mà chúng có những sắc thái khác nhau. Sắc thái là sắc tố pha trộn với màu của ánh sáng. Khi hiểu về nó chúng ta sẽ biết và vận dụng vòng thuần sắc một cách rõ ràng hơn, phù hợp với ngữ cảnh. Thực tế sống động hay không sống động qua nét biểu đạt của người họa sĩ và qua những hiểu biết cơ bản này. Đó là nền tảng mà chúng tôi nghĩ mọi người nên biết trước khi học pha màu. Nó là hiện tượng khoa học của nghệ thuật cần nắm bắt. Hiểu nó trước khi hiểu về lý thuyết áp đặt bạn sẽ không bị định tính hóa bất cứ vấn đề gì thuộc về hội họa. Bạn sẽ có thêm động lực để tìm tòi kiến thức chuyên sâu, ham thích với nó và thành công với nó. Chỉ có ham thích bạn mới tìm hiểu thấu đáo, bằng không bạn sẽ ở trong tâm thế bị nhồi nhét kiến thức một cách thụ động.
Màu sắc của sự vật là do ánh sáng phản chiếu ngược lại đến mắt nhìn của chúng ta. Vật thể dưới tác động của ánh sáng sẽ giam tất cả những sắc tố khác chỉ phản xạ lại chúng ta sắc tố mà chúng ta thấy về nó trong thực tế, và một lượng nhỏ màu bổ sung của nó (màu đối của nó trên vòng thuần sắc). Vật thể có ba vùng sắc độ tương ứng với hướng sáng soi chiếu đến nó. Đó là vùng sáng, vùng bán sắc và vùng tối. Tùy vào cường độ ánh sáng mà các vùng này tương phản từ gắt đến mềm mại, từ rõ ràng đến mờ nhạt. Vùng sáng, bề mặt vật thể phản xạ màu của vật thể và màu bổ sung của nó (màu đối trên vòng thuần sắc). Có bốn yếu tố cơ bản khi biểu đạt hội họa mà chúng ta cần nắm bắt:
Hai màu này pha với nhau sẽ có màu xám trắng – màu trung tính hình thành nên vùng sáng nhất – lóe sáng mà mắt chúng ta thấy được.
Vùng sáng ít hơn, chúng ta sẽ thấy màu vật thể nhưng nhạt hơn, và phát triển từ gốc màu xám trắng. Nó ửng dần từ xám trắng (vùng sáng nhất) đến xám trắng pha từ ít đến nhiều màu của vật thể. Như vậy việc chúng ta pha thêm liều lượng trắng vào màu của vật thể để diễn tả vùng này, nó thực sự là cách làm chưa am hiểu cặn kẽ. Màu trắng chỉ diễn tả về sắc độ, thêm nó vào là đúng nhưng chưa đủ. Bạn phải cho thêm một ít màu bổ sung (màu đối trên vòng thuần sắc) vào màu của vật thể mới biểu đạt chính xác được bản chất ánh sáng. Chúng tôi đang nói về cường độ màu. Tùy vào lượng màu bổ sung cho vào màu vật thể chúng ta sẽ gia giảm cường độ màu. Về lý thuyết, nếu pha trộn hai lượng màu như nhau của một màu với màu đối của nó (màu bổ sung) sẽ ra màu trung tính đó là màu xám. Màu xám này, hội họa gọi là màu xám trung tính. Màu xám hình thành từ trắng pha đen là màu xám thuộc về sắc độ. Chỉ có màu xám trung tính mới có được sự cộng hưởng bù màu, nếu bạn cho thêm lượng màu của một trong hai màu kể trên, nó sẽ ngã về sắc thái bên màu đó. Bản chất cường độ màu cũng là đây, từ ánh sáng mà tác động hình thành nên.
Vùng bán sắc, vùng này được ánh sáng soi chiếu với lượng ánh sáng vừa đủ. Vật thể phản xạ đến mắt ta thấy được màu sắc tố thực tế của nó. Vùng này nhiều hay ít tùy vào kích thước diện bán sắc này. Vùng này chúng ta có thể biểu đạt sắc tố của vật thể. Nó gọi là màu cục bộ của vật thể. Vùng này sẽ có cường độ màu thuộc về sắc thái là cao nhất, thắm nhất.
Vùng tối của vật thể, vùng này vì cường độ ánh sáng rất yếu nên tất cả sắc thái sẽ bị tối sậm. Nếu ánh sáng ban ngày, ánh sáng trắng vùng này sẽ là vùng thêm đen vào. Lưu ý trong vùng này có thêm vùng phản quang, tính chất nó gần giống với vùng bán sắc nhưng giảm hơn nhiều về cường độ. Nếu ánh sáng có màu thì vùng tối này sẽ có sắc thái là màu cục bộ vật thể, cộng với màu đối của màu ánh sáng và màu đen.
8.Lời kết tạm.
Màu sắc là thành tố vô cùng quan trọng trong thiết kế, nhưng chỉ màu sắc tốt thôi thì vẫn không đủ tạo nên sự nổi bật. Về mặt căn bản không giống như màu sắc trong trang trí mà còn chịu sự tác động của ánh sáng, của màu sắc các vật thể xung quanh … Vì thế, nhiệm vụ của màu sắc trong tranh tả thực là phải gây được ấn tượng cho người xem về màu sắc của cái có thực. Màu sắc muốn tả thực phải kể đến tác động của ánh sáng. Nghệ thuật là xúc cảm mà xúc cảm cần phải chân thành. Mỗi người có một tính cách, suy nghĩ khác nhau thì cảm xúc cũng khác nhau. Ánh sáng ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe con người, sự sống vật thể và … ánh sáng còn tác động đến cảm xúc của một tác phẩm hội họa.
Trong một ngữ cảnh bài viết không thể trình bày đầy đủ và chi tiết hơn, chúng tôi chỉ mong muốn chia sẻ những kiến thức nền tảng cơ bản này đến độc giả dưới góc độ đầy đủ, dễ nắm bắt nhất. Còn nhiều vấn đề khác có liên quan vừa chuyên sâu, vừa mở rộng hơn, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm trong các bài viết khác.
Tất cả những kiến thức này chúng tôi nghĩ trong giáo dục hội họa thật sự rất cần thiết cho người học vẽ. Hãy thực hành với kiến thức hữu ích, trí não cần phải hiểu biết trước khi thực hành quen tay, bằng không chúng ta sẽ mất rất nhiều thì giờ về sau trong suốt quãng đời thực hành hội họa còn lại. Chương trình giáo dục hội họa, nên sắp xếp những kiến thức này thành những liều lượng, khối lượng vừa phải theo mức độ nâng dần, sẽ tốt cho mọi người học vẽ từ khi mới bắt đầu. Khóa học Đom đom xanh của The R’art School, được hoạch định và xây dựng để dạy về màu từ cách nhìn nhận hữu ích này.