Màu cục bộ – Một trong những yếu tố quan trọng của hội họa!

Chào mọi người, là Ngư đây~

Nói về màu cục bộ hẳn là có nhiều bạn học mĩ  thuật, đam mê vẽ sẽ bối rối phải không? Trong đầu sẽ tự hỏi màu cục bộ là màu gì? Nó quan trọng trong tác phẩm của tôi lắm sao? Làm sao tôi có thể thể hiện một bức tranh đúng với quan sát của mình? Mà không bị chua, không bị khét lẹt, hay quá rực rỡ chói lói? Vì sao cùng là màu xanh lá cây mà mặt hứng sáng và khuất sáng lại có màu khác nhau? Tại sao?

Đừng lo, không chỉ bạn, Ngư cũng từng là con bé có ba vạn câu hỏi vì sao đó! Trong quá trình nghiên cứu, Ngư cùng các anh chị em ở R’art School đã tìm được giải pháp cho một vạn câu hỏi vì sao ấy! Mọi người theo Ngư, chúng ta cũng bắt đầu thôi nào!

Trước tiên để hiểu màu cục bộ chúng ta phải đi qua lý thuyết cơ bản nhất của màu sắc. Chúng ta đã quá quen với bánh xe màu với ba màu nguyên: Đỏ – vàng- lam, các màu bậc hai: Cam – lục – tím phải không? Khi chúng ta pha trộn với cặp bổ túc sẽ tạo ra màu bậc ba có cường độ thấp (hay gọi là màu đồng, vì chúng sẽ gần đen, gần nâu). Màu bậc ba với nhiều giá trị màu khác nhau chúng ta sẽ thấy khá nhiều khi quan sát thực tế một đồ vật nào đó, song lại rất khó để khống chế cũng như hiểu được cơ chế vận hành của chúng!

Khi quan sát sự vật, cơ bản chúng ta sẽ thấy được 3 vùng: Sáng – bán sắc (Trung gian)  – Tối (bóng). Vùng bán sắc chính là màu cục bộ mà chúng ta đang đi vào tìm hiểu.

1. Vậy màu cục bộ là gì?

Nói một cách đơn giản, màu cục bộ là màu sắc của một vật thể chúng ta thấy được khi đặt vật thể trong ánh sáng trắng. Nếu cầm một tuýt màu ứng với màu chúng ta thấy được thì màu đó chính là màu cục bộ. Vì dụ: Áo dài như sinh mặc, đa phần là màu trắng hay chiếc điện thoại iphone màu tím mộng mơ thời thượng. Để hiểu sâu sắc hơn chúng ta cùng đi vào những câu hỏi: Muốn vẽ một cô gái mặc váy đỏ với một chú cún vàng trong ánh sáng ban mai thì chúng ta chỉ cần tô như váy cô gái màu đỏ, chú cún màu vàng phải không?

2. Màu cục bộ – Ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên đến màu cục bộ?

Màu cục bộ – Ánh sáng ảnh hưởng lên màu cục bộ

Nhìn hình ảnh này, chắc hẳn các bạn cũng đoán được câu trả lời. Cô gái và chú chó trong tranh trở thành những mảng dẹt như chúng ta cắt dán lên, chủ thể trở nên phi thực tế vì không lột tả được chất liệu quần áo, mái tóc, chú cún vàng mà chúng ta quan sát được. Bởi vì để thể hiện chất liệu quần áo, mái tóc, không gian tranh, hiểu màu cục bộ là chưa đủ mà còn nhiều yếu tố khác như ánh sáng, bố cục, đường nét,v…v…

“Vậy làm sao tui có thể thể hiện được cái váy đỏ và chú cún vàng kia như tui quan sát đây?”

Hãy nhìn vào bức vẽ dưới đây, bạn thấy chứ, đã có sự khác biệt rõ ràng giữa hai cách thể hiện màu ở chiếc váy đỏ và chú chó vàng. Thay vì tô một mảng dẹt, Ngư đã thay đổi giá trị màu để thể hiện ánh sáng chiếu vào chiếc váy đỏ: phần sáng của chiếc váy có màu đỏ nhạt, phần khuất sáng của chiếc váy có màu đỏ đậm hơn. Phần lưng của chú cún cũng đã sáng lên với màu vàng nhạt.

Màu cục bộ -  ảnh hưởng của nguồn sáng tự nhiên đến màu cục bộ và hòa sắc trong tranh
Màu cục bộ –  ảnh hưởng của nguồn sáng tự nhiên đến màu cục bộ và hòa sắc trong tranh

Từ đây chúng ta có mẹo sau đây:

  • Đối với các vật thể hứng sáng, ta có thể thay đổi màu cục bộ bằng cách cộng thêm một lượng màu trắng (tùy cường độ ánh sáng mạnh hay yếu mà gia giảm lượng màu trắng phù hợp.)
  • Đối với các vật thể trong bóng tối, ta có thể làm tối màu cục bộ bằng cách thêm một lượng nhỏ màu đen hoặc màu tối tương đồng.
  • Đối với các vật thể có bề mặt mờ, ta có thể giảm độ bão hòa của màu cục bộ bằng cách thêm một lượng nhỏ màu xám hoặc màu trung tính.
  • Giảm độ bão hòa của nó xuống hoặc làm thay đổi nhiệt độ màu để đẩy nó qua các lớp khí quyển. (bạn có thể quan sát thực tế mỗi sáng khi chạy trên đường, những ngôi nhà ở xa bị phủ qua lớp không khí sẽ trở nên mờ và nhạt hơn.

Cho những bạn muốn tìm hiểu thêm tổng quan của ánh sáng thì hãy đọc thêm bài viết Ánh sáng – Người thầy dẫn dắt nghệ thuật hình ảnh với những chia sẻ đầy tâm huyết của bạn Sang nha!

“Ok, vậy nếu tui không muốn vẽ buổi sáng mà vẽ lúc mặt trời ngủ rồi, chỉ có đèn đường thì phải làm sao?”

Từ từ, Ngư sẽ giải đáp ngay đây. Nãy giờ chúng ta chỉ mới đi qua màu cục bộ trong điều kiện ánh sáng tự nhiên. Còn trong ánh đèn neon, ánh đèn đường, chúng lại là ánh sáng nhân tạo thì phải thể hiện thế nào?

3. Màu cục bộ – Ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến màu cục bộ trong tranh?

Quan sát bức tranh này, chúng ta thấy nguồn sáng đến từ những quả bóng tròn, các bạn tiên có cánh lấp lánh và lò sưởi. Nếu không có ba nguồn sáng này, hẳn căn phòng sẽ tối om rồi. Quả bóng treo trên cây thông tỏa ra ánh sáng vàng (ánh sáng khá yếu), ánh sáng cam vàng từ ngọn lửa trong lò sưởi. Cả hai nguồn sáng ấy hòa lẫn vào nhau làm không gian vốn dĩ tối trở nên bừng sáng, ấm áp và tưng bừng vui vẻ trong không khí đón giáng sinh nhộn nhịp của ba cậu bé.

Từ tường nhà, sàn nhà, cây thông, áo quần của ba cậu bé, đến các hộp quà đều phủ một lớp vàng ấm. Cậu bé đứng phía trước lò sưởi nhận nhiều ánh sáng của lò sưởi nên cả cơ thể cậu bé như bừng sáng, viền ánh sáng men theo đường cong quần áo, nón, mũ giày thật sinh động.

Còn với cậu bé đang treo ngôi sao lên cây thông, ta thấy ánh sáng tỏa ra từ những quả bóng sáng hắt lên người cậu bé khiến chiếc quần đỏ của cậu ngã sáng màu cam sáng, ở những vị trí gần bóng đèn thì hiện rõ viền sáng vàng. Tương tự chiếc áo màu xanh lục đậm mảng sáng cũng biến thành màu xanh lá nhạt. Sàn nhà nâu cũng phủ một lớp vàng, càng gần nguồn sáng, màu nâu cũng chuyển dần sang nâu vàng và sáng dần lên.

Đồng hành với ánh sáng là bóng tối, bóng tối trong tranh trong lạnh hơn so với những khu vực hứng sáng. Bóng đổ xuống từ mấy hộp quà có màu nâu lạnh, màu kem của tường ở khu vực xa nguồn sáng cũng lạnh xuống.

Màu cục bộ - ảnh hưởng của nguồn sáng nhân tạo lên màu cục bộ
Màu cục bộ – ảnh hưởng của nguồn sáng nhân tạo lên màu cục bộ

Vậy chúng ta có mẹo sau đây:

  • Đối với các vật thể hứng sáng, ta có thể thay đổi màu cục bộ bằng cách cộng thêm một lượng màu của ánh sáng nhân tạo + lượng màu trắng phù hợp (tùy cường độ ánh sáng mạnh hay yếu mà gia giảm lượng màu trắng phù hợp.)
  • Đối với các vật thể trong bóng tối, ta có thể làm tối màu cục bộ bằng cách thêm một lượng phù hợp màu đối của màu ánh sáng nhân tạo.
  • Làm lạnh (nguồn sáng màu nóng) hoặc làm nóng (nguồn sáng màu lạnh)  khu vực xa nguồn sáng nhân tạo để cân bằng thị giác.

Từ hai quan sát trên chúng ta đều có thể tự tin đưa ra khẳng định màu cục bộ bị ảnh hưởng từ cả nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhận tạo. Còn một yếu tố khó phát hiện ra dù chúng ta vẫn thường xuyên quan sát được. Yếu tố này cũng khiến bức tranh chúng ta họa trở nên có chiều sâu và hòa hợp hơn. Bạn biết đó là gì chứ?

4. Màu cục bộ – Ảnh hưởng của ánh sáng tán xạ lên màu cục bộ trong tranh.

Yếu tố này chính là ánh sáng tán xạ, hay còn gọi dể hiểu là ánh sáng phản chiếu.

 

 

Màu cục bộ - Tán xạ ánh sáng ảnh hưởng đến màu cục bộ
Màu cục bộ – Tán xạ ánh sáng ảnh hưởng đến màu cục bộ.

Hình minh họa trên cho thấy, phần quần trắng của nhân vật cộng hưởng với màu da bên dưới, hay ảnh hưởng màu vàng của hoa mai lên màu trắng. Đơn giản là màu sắc của bản thân sự vật cũng sẽ ảnh hưởng đến màu của vật liền kề chúng. Biết được điều này, khi thể hiện tranh, các bạn sẽ hiểu vì sao các vật chúng ta vẽ lại không có tính liên kết rồi đây!

Mọi người có bao giờ thắc mắc vì sao vì sao tranh của chúng ta bị chua, bị khét hay bị bạc màu không?

Ngư cũng từng tự hỏi bản thân như thế, chung quy lại chúng đều do sự cân bằng thị giác của mắt ta mà thôi. Màu cục bộ là một yếu tố quan trọng song bên cạnh nó còn có đường nét, bố cục, mà điều tiết màu sắc hay gọi đơn giản là hòa sắc!

Tranh quá chua, tức là màu xanh lá và màu vàng bị sử dụng quá mức mà không có một màu sắc đối cân bằng lại chúng, tranh bị khét vì chúng ta chọn hòa sắc quá chói lói, quá nóng, không đủ độ lạnh để cân bằng lại. Tranh bị bạc tức là quá nhiều trắng, trắng đến mất màu!

Theo Cuốn sách Lý thuyết về màu sắc (Zur Farbenlehre) của Johann Wolfgang von Goethe được xuất bản năm 1810. Lý thuyết về màu sắc của Goethe dựa trên những quan sát cá nhân của ông về trải nghiệm thị giác màu sắc. Goethe đã tìm kiếm các hiệu ứng màu sắc ở những nơi mà các cạnh sáng và tối giao nhau.

Ông nhận thấy rằng nếu chúng ta nhìn chằm chằm vào một màu đỏ đậm và sau đó nhìn vào một bức tường trắng, thì một dư ảnh màu xanh lá cây sẽ xuất hiện. Tương tự nếu nhìn lặp lại hành động này, chúng ta sẽ có nhưng cặp bổ túc: Xanh lá –đỏ, Lam – Cam, Vàng – Tím.

Màu cục bộ - Cân bằng thị giác bằng cặp màu bổ túc
Màu cục bộ – Cân bằng thị giác bằng cặp màu bổ túc

Những thí nghiệm này cho thấy, chúng ta không nhìn nhận màu sắc một cách khách quan. Nếu chúng ta làm như vậy, mặt được chiếu sáng bởi ánh sáng trắng sẽ trông giống nhau, bất kể màu bóng là gì. Nhiệt độ màu của ánh sáng lấp đầy làm cho mặt được chiếu sáng dường như bao gồm màu bổ sung.

5. Màu cục bộ và mối liên quan đến hòa sắc trong tranh.

Quay lại bức tranh ba cậu bé đón giáng sinh, nếu chúng ta không cân bằng giữa những mảng sáng nóng với phần bóng tối lạnh thì bức tranh sẽ ra sao? Thay vì tô màu sàn phần khuất sáng với màu nâu lạnh chúng ta lại tô màu nâu nóng, phần tường phía xa màu kem lạnh đồi thành màu vàng cam nhạt?

Màu cục bộ - Ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến màu cục bộ, hòa sắc trong tranh
Màu cục bộ – Ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến màu cục bộ, hòa sắc trong tranh.

Đúng vậy, bức tranh sẽ cháy, chúng sẽ nóng rực bởi thiếu sự cân bằng cần có trong thị giác khiến mắt chúng ta thấy nó khét và đơn điệu. Sự tồn tại của những mảng màu tối lạnh không đơn giản là cân bằng thị giác mà còn tôn lên nhưng mảng sáng nóng ấm của bức tranh, khiến bức tranh sinh động và có điểm nhấn, lột tả được không khí ấm áp yên vui mà tác giả muốn thể hiện.

Hay quan sát bức tranh này.

Màu cục bộ - Hòa sắc cho tranh không bị chua
  Màu cục bộ – Hòa sắc cho tranh không bị chua

Nếu bức tranh này không có mảng cỏ tím, núi ở phía xa chỉ là màu xanh lá nhạt, những đường kẻ vàng biến mất bức tranh này sẽ ra sao không?

Đúng rồi nó sẽ bị chua lè và đơn điệu lắm luôn! Mảng tím, mái nhà đỏ là những điểm nhấn trong tranh, phần núi xa lớp một, lớp hai, lớp ba đều là màu xanh khác biệt. Điều này tạo nên sự cân bằng thú vị cho bức tranh. Trong mảng hoa tím cũng có màu tím + xanh lá, phần xanh lá của ba lớp núi, từ xanh chuối vàng, xanh cổ vịt nhạt, đến xanh xám ở núi lớp ba.

Theo khoa học, khi chúng ta quan sát mảng sáng của một vật, để đúng nhất với thực tế, vùng sáng sẽ là sự cộng giữa màu cục bộ với màu đối của nó thêm lượng màu trắng phù hợp theo cường độ của ánh sáng. Từ đó chúng ta mới có màu xám xanh phù hợp như trong bài. Với mảng màu tím, chúng ta cũng không thể để màu tím nguyên ( hoặc tím hồng, tím đỏ) mà phải có sự cộng hưởng với cả không gian chung, chính là màu tím phải có sắc xanh của đồi cỏ.

Chính sự cân bằng xanh lá  – đỏ đã khiến bức tranh không bị chua.

Một số lưu ý Ngư chia sẻ cho mọi người khi sử dụng màu cục bộ trong hội họa là không nên quá phụ thuộc vào màu cục bộ. Yếu tố màu cục bộ chỉ là bước khởi đầu cho mỗi nghệ sỹ tương lai. Chúng ta luôn cần học cách quan sát kỹ mọi vật ta muốn vẽ. Khi xác định được màu cục bộ, hãy tiếp tục quan sát sự vật với nhiều góc độ khác nhau, ảnh hưởng của môi trường lên vật, ảnh hưởng của vật lên mỗi trường để tìm thấy hòa sắc phù hợp mà chúng ta muốn lột tả sự vật ta muốn biểu đạt. Đừng để những nguyên tắc, tip mẹo trói lại sự sáng tạo của bản thân. Chúng ta thấu hiểu những nguyên tắc để có thể thử nghiệm nhiều hơn nữa cách thể hiện độc đáo, tạo ra những bức tranh ấn tượng. Màu cục bộ là một khái niệm quan trọng trong hội họa, giúp người họa sĩ thể hiện được chất liệu, không gian, ý nghĩa của bức tranh. Với sự luyện tập và trau dồi, hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về màu cục bộ và sẽ có thể điều chỉnh màu cục bộ một cách thành thạo để tạo nên những tác phẩm hội họa ấn tượng. Tuy nhiên, màu cục bộ không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng của một tác phẩm hội họa. Để có được một bức tranh đẹp, người họa sĩ cần phải kết hợp hài hòa giữa màu cục bộ với các yếu tố khác như ánh sáng, bố cục, đường nét, hòa sắc … mà mọi người sẽ cùng Ngư tìm hiểu trong các bài viết tiếp theo nhé!

NGƯ – Giảng viên The R’art School

Cảm xúc xây dựng khóa học TẮC KÈ HOA

5 3 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận