Kết thân với màu sắc và ánh sáng  – chính là bước đầu tiên để hiểu về hòa sắc trong hội họa.

Chào mọi người, là Ngư đây~

Hòa sắc là một chủ đề hấp dẫn, nó gắn liền với Ngư từ hồi chập chững bước vào con đường nghệ thuật này. Từ khi còn ngồi học trên ghế nhà trường, Ngư đã bắt gặp rất nhiều trường hợp thế này. Có một bạn vô cùng yêu thích sử dụng 7 sắc cầu vòng trong bài của mình. Dù vậy lúc lên màu tranh mình, bạn ấy lại gặp khó khăn trong khâu chọn màu. Trong khi một số bạn khác chỉ ôm khư khư một vài gam màu họ yêu thích. Và rất hạn chế sử dụng những gam màu khác. Điều này không có gì sai hết, Ngư không phán xét họ. Chỉ là trong học phần đầu tiên là trang trí màu, bài tập được giao lại là cách điệu mảng hình và sử dụng 6 gam màu khác nhau. Các bạn không nhầm đâu, 6 gam màu khác nhau đấy! Có lẽ là may mắn, vì Ngư không thiên hoàn toàn về gam màu nào, nên bài tập ấy Ngư vẫn sống sót khỏe mạnh. Nhưng mấy bạn kia thì gặp một chút khó khăn trong việc lên màu với 6 hòa sắc khác nhau. Cô bảo, nó cứ na ná không có sự khác biệt gì. Sau này, Ngư cũng tự đúc kết cho bản thân. Không nên tự hạn chế hòa sắc của bản thân. Mặc dù Ngư biết rõ hòa sắc Ngư yêu thích (bật mí cho bạn đọc nè, Ngư rất thích cặp màu bổ túc Lam – Cam đó). Đối với Ngư, hòa sắc là một thứ gì đó rất “tình”. Cái “tình” này ánh sáng không thể lột tả được, mà chỉ có màu sắc mới làm được thôi. Mà các bạn đọc biết đấy, cái gì dính dáng đến chữ “tình” đều khó giải quyết và phức tạp.

Để tìm hiểu về hòa sắc, Ngư sẽ bắt đầu với những thứ cơ bản nhất, để bạn đọc có cái nhìn toàn diện nhất nhé! Chúng ta cùng bắt đầu thôi.

1. Hiểu về hòa sắc – kết bạn với màu sắc.  

Để tìm hiểu về hòa sắc, cùng Ngư nhắc lại một chút màu sắc cơ bản. Màu sắc cơ bản trên vòng thuần sắc, chia thành 2 nửa. Một ngã nóng, bắt đầu từ vàng đến tím, ngã lạnh bắt đầu từ tím sang vàng. Chắc mọi người cũng thấy lạ. Tím và vàng đều nằm ở hai nửa đúng không? Màu vàng nếu đi chung với gam màu nóng như đỏ, cam, hồng thì màu vàng trông sẽ nóng hơn. Cũng là nó, đi chung với gam lạnh, màu vàng sẽ trong lạnh hơn. Tương tự màu tím cũng vậy, tím và vàng đếu khá là trung tính. Nên chúng thường đi theo để làm màu trung gian điều tiết tranh. Tím đỏ là sắc đỏ với trong tím nhiều hơn, khiến màu tím nóng, tím xanh tức là xanh dương trong tím nhiều hơn. Sẽ làm màu tím trông lạnh hơn.

Màu sắc nóng lạnh cũng là do một phần cảm nhận của chúng ta khi tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường. Theo quan sát, khi trời sáng (ánh sáng chan hòa), màu sắc thường tươi tắn. Khi trời tối, màu sắc như bị phủ lam. Vào những ngày nắng gắt, màu sắc sẽ trở nên bạc hơn.

Mọi người cũng nhận ra rồi nhỉ? Màu sắc nóng lạnh không phải vì nhiệt độ. Mà do não chúng ta, màu sắc ấm hoặc lạnh đều do tâm trí ta tự đưa ra. Một phần là do màu sắc trong tự nhiên mà chúng ta nhìn thấy. Ví dụ khi trời sáng, ta sẽ quan sát được màu sắc như thế nào? Có phải mái nhà có màu cục bộ là đỏ, sẽ trong sáng hơn, thanh màu sẽ chạy sang đỏ cam, cam, thậm chí cam vàng. Màu lạnh như xanh dương, tím cũng sẽ trong nóng hơn nếu chúng được đặt trong môi trường ánh sáng mạnh như nắng gắt. Ngược lại, buổi tối, ta sẽ thấy rõ, màu sắc lam sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết. Màu lam, tím có sắc độ đậm thường được áp dụng để lột tả màn đêm. Hoặc một vật khuất sáng. Trừ ánh sáng, màu sắc nóng lạnh còn thường bị làm rối bởi cường độ màu. Ví dụ, màu vàng mà Ngư đã đề cập trước đó. Trong một buổi sáng đầy sương, cảnh vật bị phủ một lớp sương lạnh lẽo. Lớp sương ấy vừa làm mờ, vừa ẩm ướt, khiến cảnh vật xung quanh mờ ảo, và đặc biệt màu sắc như bị làm bạc đi. Lúc này, cũng là mái nhà đỏ đó, ta sẽ không còn thấy màu đỏ tươi ban đầu mà sẽ là màu đỏ bị bạc. Màu đỏ pha xám. Tương tự, màu vàng trên bầu trời cũng sẽ tái đi. Từ đó khiến cảnh sắc lạnh hơn, nhạt hơn, dù nó cũng là buổi sáng đấy thôi.

2. Bạn hiểu bao nhiêu về ý nghĩa của màu sắc?

Với Ngư ý nghĩa màu sắc gắn liền với cảm thụ mà con người cảm nhận được khi họ tiếp xúc với tự nhiên. Quay về màu sắc nóng lạnh, nó cũng bắt đầu từ thế. Nên ý nghĩa màu sắc cũng vậy. Màu xanh, tím gởi lên cảm giác lạnh lẽo, u buồn, sự tĩnh lặng hoặc một dạng thời tiết như: mưa, sương mù… Thậm chí cả mùa đông. Nên trong thiết kế, sắc Deep Blue thường được chọn cho phòng ngủ, vì mang lại cảm giác an tâm, yên tĩnh. Gia chủ yêu màu xanh hẳn là một người điềm tĩnh, suy nghĩ trưởng thành.

Trái ngược lại, sắc đỏ, cam lại mang đến cảm giác nồng nhiệt, quyết tâm và cực kì thu hút. Cứ nhìn các nhãn hiệu, logo đi, họ sử dụng màu đỏ rất thường xuyên. Vì trên một đoạn đường, toàn sắc xám của đường đi, nhà cửa thì màu đỏ quả thật vô cùng nổi bật. Ngoài ra, đỏ, cam còn gợi cảm giác ngon miệng nữa. Các loại thực phẩm đấy, mọi người đều lựa dựa vào màu sắc của chúng nhỉ? Trái táo này đỏ đẹp quá, hẳn là đã chín. Trái cam, trái quýt,… đều lựa chọn cách trưởng thành này để thu hút ta. Cơ bản như xoài vậy, xoài chín thường có màu cam vàng óng ả, chưa chín tức là còn xanh đấy thôi. Nhưng mà, có một điều kì lạ trong ý nghĩa màu sắc nữa, như màu đỏ, màu cam, hay màu vàng còn là màu sắc của sự nguy hiểm. Trong tự nhiên, chúng ta đều quan sát được các loại sinh vật có màu sắc sặc sỡ như ếch phi tiêu, nấm độc đều có mang độc tố nguy hiểm. Mọi người đều truyền tai nhau, nếu quan sát thấy trái cây, nấm hoặc con vật gì có màu sắc sặc sỡ thì đấy là một cảnh báo “Chúng có độc”. Thay vào đó, chúng ta lựa chọn nấm rôm, loại nấm có màu nâu như bùn đất.

Màu sắc lam xanh trong thiên nhiên vào buổi sáng thường trong rất tươi tắn (ví dụ như mặt biển, lá cây). Nhưng trong bài vẽ này, tác giả đã chọn lam xanh lột tả một ngày mưa. Sắc xanh lúc này trong lạnh và bạc hơn.

 

Bạn thấy đấy, thật mâu thuẫn nhỉ? Bạn chưa tin à? Ngư còn một ví dụ vô cùng trend đây. Trong mối quan hệ yêu đương, các cặp đôi cứ rỉ tai nhau, tặng hoa hồng là lãng mạn, vì màu đỏ đấy là nồng nhiệt. Thể hiện một tình yêu nồng cháy mà các cặp đôi muốn gửi gắm cho nhau. Nhưng… bạn biết red flag chứ? Cờ đỏ đấy! Đây là cách nói mà các cô gái hay dùng để đánh dấu các anh chàng có dấu hiệu nguy hiểm trong một mối quan hệ như: anh ấy gia trưởng, anh ta thô lỗ, anh ta còn dây dưa với tình cũ, v…v… Tụ chung lại, nếu có quá nhiều cờ đỏ tức là dấu hiểu “toang” cho mối quan hệ đó đấy!

3. Màu sắc của ánh sáng

Ánh sáng màu không chỉ giới hạn là ánh sáng nhân tạo. Thật ra, màu sắc của ánh sáng lúc hoàng hôn sẽ có sắc cam vàng ấm áp. Bức tranh này, diễn tả cảnh đưa mồi về tổ cho chim con của chim mẹ trong một buổi chiều tà. Lá cây, lông chim mẹ, hay tổ chim đều như phủ một lớp kẹo mật.

Màu sắc của ánh sáng, hiểu cơ bản là ánh sáng màu. Trong đời sống, từ thời xa xưa, nhân loại đã tạo ra lửa. Một dạng ánh sáng khác với ánh sáng mặt trời. Ta đều biết trong quang học, ánh sáng trắng hay còn gọi là ánh sáng của mặt trời gồm vô vàn màu, khi bị tán sắc qua kính hay màn hơi nước chúng ta sẽ thấy cầu vòng 7 màu gồm: đỏ cam vàng lục lam chàm tím. Nhưng trên thực tế, giữa các khoảng của hai màu là rất rất nhiều màu, mà mắt ta thấy được xong lại tự động bỏ qua và quy chúng về 7 màu rõ ràng nhất. Cho nên, bạn đọc của Ngư nè, cầu vòng không 7 màu các bạn nha! Quay lại với ánh sáng màu nào, ánh sáng từ ngọn lửa có sắc đỏ, cam, vàng, trắng. Theo Ngư quan sát, màu sắc càng sáng tỷ lệ thuận với độ nóng của ngọn lửa. Tức là ngọn lửa trắng sẽ nóng hơn ngọn lửa vàng, tới cam, tới đỏ. Dạng thế.

Trừ nguồn sáng do sự đốt, tức là ánh sáng từ nhiệt năng, thì còn rất nhiều dạng nguồn sáng khác như, ánh sáng từ sinh học. Gọi thân thương là sự phát quang. Hiện tượng này ta sẽ quan sát được khi đi trên bãi biển buổi đêm ở những khu vực nhất định. Một số loại tảo phát quang trôi dạt theo nước biển đi vào bờ, tạo thành những dãi nước xanh lam phát sáng lấp lánh. Ở một số khác lại do các loại phù du, hoặc các loại sinh vật: như mực, sứa. Hiện tượng phát quang sinh học này nói riêng hay nội dung về màu sắc của ánh sáng Ngư đã nói kỹ trong 2 bài viết Ánh sáng màu – Sân khấu của nghệ thuật hội họa, Ánh sáng màu ảnh hưởng đến màu sắc trong hội họa như thế nào? Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn ở 2 bài viết này.

4. Vẻ đẹp của ánh sáng – đồng hành cùng người bạn thứ hai của hòa sắc.

Ánh sáng là một yếu tố quan trọng trong hội họa. Vì có ánh sáng mới có bóng tối. Mọi người đều nghĩ rằng muốn có một bức ảnh đẹp, phải biết nắm bắt nguồn sáng phù hợp. Ví dụ chụp một tấm hình cho người yêu, mà chụp xong mặt người yêu vừa to vừa xạm, vừa đen là tiêu rồi! Chụp ảnh mà dáng người ta 1m7 thành 1m5 thì bảo sao không giận đúng không nào? Cho nên trong nhiếp ảnh, nguồn sáng rất quan trọng. Chụp hình mà quay lưng với nguồn sáng thì nhân vật chủ thể vừa đen vừa không rõ ràng. Nên chúng ta cần một công cụ, chính là cân bằng ánh sáng, bắt vùng tối để máy tự động làm sáng vùng tối (nếu bạn vẫn cố chấp chụp quay lưng với nguồn sáng). Trong chụp hình sản phẩm, bảng hắc sáng hẳn không còn xa lạ nữa nhỉ? Đó là công cụ sống còn khi quay chụp, vì ánh sáng có tính phản xạ.

Hiểu về tính phản xạ của ánh sáng là một điều gì đó rất phức tạp, cho nên Ngư giải thích cơ bản thế này. Ánh sáng tự nhiên khi đi qua một vật thể sẽ lấy đi phần màu sắc chúng không có và trả lại thứ chúng có. Nôm na, là tui cần tui lấy, tui đã có rồi nên tui trả lại. Lấy ví dụ đơn giản này, nếu vào một buổi sáng có nắng, bạn muốn ra đường nhưng tìm hoài một bộ ưng ý quá khó khăn vì đồ bạn có quá nhiều. Ví dụ thế. Thì Ngư sẽ gợi ý, bạn hãy thử mặc full một cây đen ra đường, một ngày khác, mặc full cây trắng. Lúc này bạn sẽ ngạc nhiên, khi mặc đồ trắng bạn sẽ cảm thấy mát mẻ, còn đồ đen lại nóng vô cùng. Tất cả đều do sự phản xạ của ánh sáng đó. Cơ bản, màu trắng, có gần như tất cả các màu nên nó nhận ánh sáng ít, chúng ta mặc sẽ thấy mát. Ngược lại, trang phục đen lại mang đến cái nóng vì đen tức là thiếu tất cả màu, phải nhận nhiều. Điều này cũng tương tự với trang phục sáng màu, hay tối màu.

Quay trở lại nào, bạn biết vì sao bảng hắc sáng lại màu trắng chưa? Vì muốn độ hắc sáng cao, thì phải dùng màu trắng thôi. Còn nếu muốn hắc ánh sáng màu, ta cũng áp dụng tương tự, sử dụng bản hắc sáng có màu sắc ta cần, hoặc cho nguồn sáng đi qua một lớp lọc màu. Tất cả điều nãy giờ Ngư nói đều liên quan đến nhiếp ảnh. Trong nghệ thuật hội họa, người ta lại chú trọng tới bóng tối hơn! Bạn biết tại sao không?

“Bóng tối là để che đậy, nhưng thấy rõ điều gì đó trong bóng tối thì lại là chân thật”

Đây là một trong những câu nói rất hay ở R’art School, mà Ngư đã ngẫm nghĩ rất nhiều để có thể thấu hiểu nó. Trong tự nhiên, khi trời tối chúng ta thường rất khó quan sát rõ ràng sự vật. Cũng là bóng tối ấy, chúng ta đặt một nguồn sáng, ví dụ như cây cột điện trong một hẻm nhỏ vắng và tối. chỉ có nó là nguồn sáng nhân tạo duy nhất ở đó, khi nó bật lên. Chúng ta sẽ quan sát rất rõ ràng cái thùng carton ở được đặt dưới chân nó. Mở cái thùng là ba chú mèo nhỏ trắng muốt. Bạn hãy tưởng tượng đến khung cảnh đó, có phải nếu đèn không mở. Bạn sẽ khó quan sát, dù trên thực tế, vẫn có ánh sáng. Ánh sáng này chính là ánh sáng của mặt trăng, thứ ánh sáng khiến bạn vẫn còn thấy mù mờ chứ không hoàn toàn là nhắm mắt đấy. Ánh sáng mặt trăng thường rất yếu nên tạo ra vùng sáng tối không được rõ ràng dẫn đến ta sẽ không quan sát rõ sự vật.

Bạn nhận ra rồi chứ, thứ bóng tối mà tôi muốn nhắc đến chính là phần khuất sáng. Trong một vùng quan sát được, luôn luôn có vùng sáng – bán sắc – vùng tối, Ngư đã để cập và nói đến sự thay đổi của màu cục bộ ở ba vùng này trong bài Màu cục bộ  – 3 cách ứng dụng màu cục bộ rồi đấy. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm. Vùng tối này khiến cho vật thể trở nên rõ nét và chắc chắn hơn trong không gian. Cho nên chúng ta khi quan sát một sự vật, dù không phải người học vẽ. Chúng ta vẫn có thể cảm giác được sự vật đó có khối nhờ vào phần tối của chúng. Để thể hiện một sự vật trên một tờ giấy 2D, người vẽ phải hiểu vùng tối và quan sát được nó. Lúc vẽ khối mới không bị dẹp, bị móp méo, biến dạng. Và để thể hiện vùng tối được trọn vẹn và phù hợp nhất với từng khối, thì phải biết chọn lựa hướng sáng phù hợp.

Bức tranh này lấy bối cảnh dưới đáy biển, nơi mà ánh sáng ít chiếu đến. Nhưng ở bài vẽ này, ta vẫn thấy rõ ràng các sự vật dù cảm giác tranh mang lại vẫn là ở dưới đáy biển. Tác giả đã khéo léo giảm đi độ tối của bức tranh để tranh trông hài hòa hơn.

5. Hướng sáng

Các hướng sáng cơ bản, tạo nên những mảng hình bóng khác nhau.

Hướng sáng từ trên cao: Ánh sáng này trong tự nhiên thường là lúc mặt trời treo trên đỉnh đầu. Nếu bạn ra đường vào thời điểm này, sẽ quan sát được những chiếc mũ bảo hiểm sáng chói trên đường. Bóng đổ của loại nguồn sáng này thường đặt dưới chân chủ thể và bị gôm lại. Nguồn sáng này làm rõ ràng những mảng nhô ra, như trên mặt người thì có mũi này, và sáng ở những mảng hứng sáng. Các mặt nằm ngang. Còn mặt nằm dọc lại tối hơn hẳn. Trong hội họa, không nhiều họa sỹ áp dụng nguồn sáng này, vì chúng làm mất khối. Con người luôn muốn tự điền vào chỗ trống, bạn biết không, trong truyện tranh. Muốn lột tả một gương mặt đáng sợ, hay một gương mặt u buồn các tác giả thường sử dụng nguồn sáng này đấy. Trên sân khấu, hiệu ứng đèn sân khấu cũng được xem là một hiệu ứng ánh sáng từ trên xuống. Nhưng đạo diễn sẽ không sử dụng chúng một mình mà kết hợp với nguồn sáng xuyên để làm rõ ràng biểu cảm nhân vật. Trừ trường hợp đạo diễn muốn thể hiện nhân vật ấy đang bị cô độc, buồn bã thì sẽ sử dụng nguồn sáng từ trên xuống thôi.  Nó khá tương tự với nguồn sáng từ dưới lên. Nguồn sáng này, khiến cho chủ thể trở nên to lớn vì phần bóng in trên tường sẽ trông lớn hơn chủ thể.

Hướng sáng từ trước đến: Nguồn sáng này như khi bạn đi chụp hình thẻ vậy. Họ muốn chụp bạn có đầy đủ ngũ quan và trực quan nhất, nên sẽ đảm bảo nguồn sáng không tạo ra bất kỳ bóng nào che đi một phần gương mặt bạn. Nhưng điều này cũng khiến gương mặt trong bằng phẳng. Trong phần trước Ngư đã nói, bóng – chính là phần tối, khiến cho vật thể chắc chắn và có khối. Chụp hình như trên đã đánh đổi bóng để lấy “sự rõ ràng của ngũ quan”.

Hướng sáng chiếu xiên: Nguồn sáng này được áp dụng vô cùng nhiều, vì nó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc. Nguồn sáng lại khá thường thấy, quan sát rõ ràng chính là ánh sáng tự nhiên – hay đơn giản là ánh sáng mặt trời đấy. Nguồn sáng này tự nhiên mà đẹp. Khi đến trên một con phố, một con phố đầy nắng với những ngôi nhà đủ màu sắc, sẽ thực tuyệt nếu ánh sáng chỉ che một phần của chúng. Để lại những mảng tối trên toàn nhà, mảng tối đổ trên mặt đường, hẳn sẽ đẹp hơn nếu tòa nhà đó bị chiếu đến bạc màu nhỉ?

Hướng sáng ngược: Nhớ chứ, phần trước Ngư từng để cập đến nguồn sáng này trong nhiếp ảnh đấy. Nguồn sáng này rất khó nắm bắt và thể hiện, xong nó lại rất đẹp khiến ai cũng muốn nắm bắt chúng một lần. Bằng chứng là, chúng ta vẫn luôn chụp ảnh ngược sáng đấy, khó thế mà vẫn cố đây này. Trong hội họa, vùng tối của ánh sáng ngược tối vô cùng rõ ràng. Nên là người vẽ một bức tranh ngược sáng, phải biết tiết chế bớt vùng tối. Để vùng tối ấy không phải là một mảng đen mà là những mảng màu bị làm tối đi, gia giảm phù hợp khi ở gần hay xa nguồn sáng. Phải tính tới phản quang nữa đấy. Cái đẹp của nguồn sáng này, là vùng viền sáng vô cùng ấn tượng bao xung quanh chủ thể. Chúng nổi bật trên nền.

Ngư kết bài

Đây là chương mở đầu cho một chuỗi bài viết về hòa sắc mà Ngư ấp ủ. Ở bài viết này, mọi người sẽ hiểu hơn về màu sắc, ánh sáng. Chúng cơ bản thôi, có những bài đi sâu hơn như ở màu sắc, có màu cục bộ, đây cũng là bài viết Ngư đã phát triển. Mọi người có thể tìm đọc thêm. Về màu sắc với ánh sáng, trong 2 phần ánh sáng màu ảnh hưởng như thế nào tới màu sắc trong hội họa Ngư cũng đã nói rõ ràng. Còn về ánh sáng riêng thì bài Ánh sáng, người thầy dẫn dắt nghệ thuật hình ảnh, Sang cũng thể hiện rất rõ quan điểm. Dù là căn bản, cũng như Ngư nói, ánh sáng và màu sắc chính là đôi bạn cùng tiến trong hội họa. Hòa sắc cũng phải kết thân với chúng! Hội họa không chỉ là vẽ, chúng kết hợp nhiều yếu tố để tạo thành một tác phẩm ưa nhìn “Ưu nhìn, hợp mắt là khoa học”. Trong tương lai, bài viết Ngư muốn đem đến cho mọi người liên quan rất nhiều đến hòa sắc, sắc độ của sắc thái màu sắc. Trong bài viết đó, Ngư sẽ chia sẽ những đúc kết, kinh nghiệm mà Ngư cùng các anh chị đội ngũ R’art School nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Hẹn mọi người ở bài viết sau.

NGƯ – Giảng viên R’art School

Cảm xúc để xây dựng khóa học TẮC KÈ HOA

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận