Bố cục sức hút thị giác của đường nét

1. Bố cục sức hút thị giác dựa trên phối cảnh

Hãy nhớ mọi thứ bạn vẽ đều liên quan tới tầm mắt!
Hãy nhớ mọi thứ bạn vẽ đều liên quan tới tầm mắt!

Không thể vẽ một cách chính xác nếu không cân nhắc đến bước xác định điểm quan sát và tầm nhìn hay còn gọi là bước thiết lập điểm mấu chốt. Điểm quan sát được xem là điểm trạm trong phối cảnh, trong thực tế nó có nghĩa là vị trí trên mặt phẳng nơi bạn đang đứng. Về mặt nghệ thuật, điểm nhìn là trung tâm của trường nhìn và không bị nhầm lẫn với các điểm hội tụ.

Nếu chúng ta nhìn thẳng ra ngoài tầm mắt thì điểm quan sát sẽ đối diện hoàn toàn với một điểm nằm chính giữa đường chân trời. Đường chân trời là đường tầm mắt. Không một bức tranh nào có thể có nhiều hơn một đường chân trời. Một bức tranh có thể không và hiếm khi đại diện cho toàn bộ trường nhìn, nên đường chân trời có thể cắt ngang mặt phẳng bức tranh, hoặc phía trên bức tranh, hoặc bên dưới nó. Dưới đây là các ví dụ trong tranh: 

Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Peter - bích họa của họa sĩ thời Phục hưng người Ý Pietro Perugino được sáng tác vào năm 1481–1482 và nằm trong Nhà nguyện Sistine , Rome.
Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Peter – bích họa của họa sĩ thời Phục hưng người Ý Pietro Perugino được sáng tác vào năm 1481–1482 và nằm trong Nhà nguyện Sistine , Rome.

Trong Sơ kỳ Phục hưng , một khía cạnh của chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật liên quan đến vấn đề sắp xếp các hình tượng và kiến trúc trong cảnh quan để tạo ra ảo giác về độ sâu. Giải pháp cho vấn đề này được phát hiện vào khoảng năm 1413 bởi Leon Baptista Alberti (1404-1472) và Filippo Brunelleschi (1377-1446) khi họ phát triển các quy luật của phối cảnh tuyến tính, một trong những sáng tạo quan trọng nhất của nghệ thuật Phục hưng. Kỹ thuật vẽ phối cảnh cho phép các nghệ sĩ miêu tả chính xác thế giới ba chiều trên bề mặt hai chiều từ một điểm nhìn cố định. Trong bức tranh “Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Peter” của Perugino, chúng ta có thể thấy cách các đường phối cảnh lùi dần, được tạo ra bởi phần gạch dưới sân, tất cả đều hội tụ tại một điểm biến mất trên đường chân trời, đó là cả trung tâm của điểm nhìn và đường tầm mắt của nghệ sĩ (và người xem).

Cô gái rót sữa (tiếng Hà Lan: De Melkmeid hay Het Melkmeisje) hay Cô hầu bếp là tác phẩm tranh sơn dầu trên vải bạt căng của họa sĩ người Hà Lan, Johannes Vermeer. Tranh hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Rijksmuseum, thành phố Amsterdam, Hà Lan.
Cô gái rót sữa (tiếng Hà Lan: De Melkmeid hay Het Melkmeisje) hay Cô hầu bếp là tác phẩm tranh sơn dầu trên vải bạt căng của họa sĩ người Hà Lan, Johannes Vermeer. Tranh hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Rijksmuseum, thành phố Amsterdam, Hà Lan.

Các khung cửa sổ song song trong bức tranh này giao nhau ở đường tầm mắt, ngay trên bàn tay của cô hầu gái nhà bếp, và điểm tụ của chúng dẫn mắt ta trực tiếp nhìn vào chuyển động của dòng sữa đang rót. Hãy chú ý cách góc chéo của đầu và vai cô gái hoàn toàn tương phản đối ngịch các khung cửa sổ song song, một lần nữa nhấn mạnh hình dạng và hướng chảy của dòng sữa trong phạm vi lớn hơn của bố cục. Dường tầm mắt trong bức tranh gợi ý rằng cảnh này được quan sát từ vị trí ngồi, làm tăng thêm bầu không khí yên tĩnh và suy tư của tác phẩm.

Các độ cao của tầm mắt so với hình ảnh thường thấy:

 Chúng tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ đường tầm mắt ảnh hưởng đến cảm giác, ý nghĩa là một tranh vẽ. Đây là một bức tranh với đường tầm mắt ngang bằng hay phía trong hình ảnh thường thấy, mọi thứ ở một mức ổn, người xem nhận ra rằng đây là một buổi trình diễn âm nhạc, tuy nhiên lại không mang lại một cảm xúc đặc biệt để người xem có thể nhớ lâu.

Trong bức tranh này thì lại khác, người xem có cảm nhận ngưỡng mộ, hay một cảm giác trang nghiêm, những dạng cảm xúc tích cực với hai nhân vật trình diễn piano. 


Còn bức tranh với đường tầm mắt này cũng khá quen thuộc, chúng làm cho các bạn liên tưởng tới những người ngồi trên khán đài cao để xem, mọi thứ trở nên nhỏ bé lại trong cảm giác người xem. Nếu đây là bối cảnh được đặt trong một truyện tranh thì có thể người vẽ đang tập trung vào một câu chuyện khác với một nhân vật chính trong bối cảnh khác hơn là bối cảnh này. Nếu đây là điều người vẽ mong muốn thì nó cũng đã phục vụ được mục đích đó, còn nếu người vẽ muốn tạo sức hút đặc biệt, gây ấn tượng tích cực thì đây lại không phải là lựa chọn tốt nhất. 

The R’art chúng tôi cho rằng bất cứ ai khi bắt đầu với nghệ thuật hội họa đề phải hiểu rõ về phối cảnh bởi nó áp dụng cho mọi bản vẽ khi chúng ta bắt đầu đặt bút. Phối cảnh như một nền tảng cơ bản, một thứ thuộc về hình thức nghệ thuật mà chỉ cần học một lần và bạn sẽ sử dụng chúng mãi mãi. 

2. Bố cục sức hút thị giác dựa trên bút pháp biểu đạt đường nét

Từng đường nét luôn có hiệu ứng của riêng nó nếu bạn hiểu tính chất của đường đường nét trong sự miêu tả tính chất cho các sự vật. Dày mỏng, đậm nhạt, tung hất, nét cong, nét thẳng,… bạn cần phải hiểu mong muốn của mình trong thể loại tranh hay sự vật, ý tưởng bạn chọn vẽ mang lại những dòng cảm xúc gì, từ đó bạn mới có thể xác định loại nét mà phóng bút. 

Chúng tôi lấy một ví dụ hai tranh vẽ bên dưới đây cho các bạn dễ hình dung. Hình bên trái với ý tưởng là một nhân vật đang múa, hành động múa thường làm cho người xem liên tưởng tới các loại cảm giác như nhẹ nhàng, uyển chuyển, mềm mại hay thậm chí là tung bay nhẹ nhàng thanh thoát. Sẽ không có vấn đề gì nếu người vẽ sẽ khởi tạo câu chuyện bằng những nét dứt khoát, sắc bén, một loại như phác họa mẫu người cho các bộ trang phục thời trang.

Tuy nhiên, người nghệ sĩ trong tác phẩm này là nắm rõ những cảm nhận mà hành động này mang lại và đã chọn dùng nét cong, tròn, uyển chuyển mềm mại cho đại đa số tranh khi mô tả dáng người đang nhảy múa của cô gái. Trong nét cong tròn và nhạt ấy lại có những nét đậm, những nét này tạo sự một dáng người múa trong tư thế khó nhưng lại có sự điêu luyện và vững chắc. Đậm nhạt hay cong tròn cũng phải kết nối nhịp nhàng ăn khớp. Bạn có thể chọn một thể loại loại nét cho tranh nhưng hãy nhớ phải linh hoạt để đạt được hiệu ứng mong muốn nhé.

Với tranh hai cô gái đi dưới trời mưa bên phải. Xem xét từ ý tưởng, trời mưa thường mang đến cảm giác ẩm ướt, mịt mờ dưới làn mưa hoặc hơi ẩm của bầu trời và không khí xung quanh. Trong bức tranh tưởng trông có vẻ đơn giản này lại có rất nhiều sự tính toán. Hãy thử quan sát lại từ trên xuống dưới. Tổng thể, tranh được phác họa với những đường nét thẳng chéo nhưng mềm mại, không phải là kiểu đường thẳng gắt gao cứng nhắc. Phần dù màu sáng ở phía trên, các nét thưa và mờ nhạt cho ta biết cây dù có màu sáng, những hạt mưa rơi trên dù thì lại dùng những nét cong tròn mảnh để trông như hạt mưa rơi xuống chiếc dù và tung tẩy ngược lại. Nhìn xuống một chút, với phần lưng rõ ràng bằng nét chéo diễn tả chất liệu bề mặt của chiếc áo khoác và thấp xuống nữa là phần đôi ủng cao của hai cô gái, những phần này người nghệ sĩ làm cho mọi nhạt nhòa bởi làn nước và hơi ẩm trong làn mưa, không miêu tả quá rõ đôi chân của hai nhân vật. Và phía dưới cùng là mặt đường ướt mưa với nét cong thẳng run đan xen. Hai tranh nhưng mang đến những dòng cảm xúc khác nhau với những đường nét khác nhau và linh hoạt trong từng phần chi tiết của sự vật, nhân vật.

Những đường nét này áp dụng với mọi chất liệu chì màu mà chúng ta sử dụng. Ví như trong tranh dưới đây, ngoài đường nét mỏng bằng chì hay bút line thì loại bút màu marker cũng hoạt động với tính chất của sự vật tương tự để đạt được hiệu ứng mong muốn.

3. Bố cục sức hút thị giác dựa trên xu hướng đường nét

Xu hướng đường nét là chiều hướng kết hợp với độ dày mỏng, sắc độ của mảng nét. Xu hướng của đường nét gây ra một sức hút thị giác rất mạnh mẽ cũng như chúng có vai trò xây dựng một không gian 3d rất hữu hiệu, không gian bị giới hạn hay vô cùng rộng mở thoáng đạt,… chúng làm nổi bật bộc lộ các tính chất và xác định các mức độ kịch tính của câu chuyện mà bạn xây dựng ở ngưỡng như thế nào.  Như các tranh thể hiện rõ xu hướng đường nét bên dưới đây.

Xu hướng đường nét có vai trò xây dựng một không gian 3d rất hữu hiệu
Xu hướng đường nét có vai trò xây dựng một không gian 3d rất hữu hiệu


Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy một tranh vẽ dưới đây làm ví dụ để các bạn có thể hiểu rõ hơn. Tranh bên dưới miêu tả một lối đi xuống nơi nào đó rất sâu thẳm. Các đường nét đều chéo thẳng xuống điểm tụ hút về bên dưới, phía trên đường nét thưa thớt, nhưng càng gần về điểm tụ thì đường nét càng nhiều và dồn dập.

Các nét nằm ngang vẽ bức tường thành chắc chắn cũng thế, chúng cách nhau một khoảng xa, khi gần về điểm tụ thì lại càng sát nhau. Đường nét của cầu thang cũng tương tự như vậy, cầu thang nhỏ, đường nét cũng phải tương xứng với kích thước cầu thang, cho dù nét dày của thang nhưng cũng chỉ dày ở mức độ nhất định tương xứng với thang. Hướng của thang nằm ngược lại toàn bộ với hướng và độ sâu của bức tường, những thành phần nào có số lượng áp đảo cũng như sắc độ mạnh hơn sẽ chiếm phần lớn của cảm giác, đồng nghĩa gia tăng sự chênh vênh và bé nhỏ của cầu thang trong câu chuyện này.

4. Sự kết hợp các loại bố cục đường nét trong tranh vẽ

Thực chất, các loại bố cục mà chúng tôi kể trên hoàn toàn có thể cùng xuất hiện cũng như phối hợp nhịp nhàng trong một tranh vẽ để bộc lộ tối đa ý tưởng và đạt được hiệu ứng, cảm giác mà người vẽ mong muốn thể hiện. The R’art sẽ thử phân tích một bức tranh để các bạn hiểu được tại sao chúng tôi lại kết luận như vậy nhé.

Đầu tiên ta có thể xác định ngay chủ thể của bức tranh là nhân vật đầy cảm xúc, ngồi co rúm ở một góc. Các đường nét thâm diễn ở trần và tường bên trái hướng về phía nhân vật chủ thể khiến người xem càng có cảm giác nhân vật như đang bị dồn ép về một phía. Những đường nét dọc, đậm rõ này cũng được diễn tả được về chất liệu của chúng là gỗ. Tính chất đối lập được thấy rõ trong chi tiết là vệt nắng cắt chéo ngang so với những đường dọc trên tường và trần.

Chủ thể nằm ngay khoảng giữa của hai đường cắt nhau đó, càng tạo thêm cảm giác như bị dồn ép về một góc. Dưới sàn là cỏ rơm, mảng cỏ rơm này hoàn toàn được đặt sát sàn và dù chúng có ngả nghiêng nhưng chung quy vẫn là xô đẩy để mọc thẳng lên. Một lần nữa tính chất đối lập lại thể hiện qua những vệt nắng rõ rệt từ khung cửa cắt ngang lớp cỏ rơm. Sự lộn xộn ngả nghiêng của cỏ rơm càng góp phần thể hiện sự hoảng loạn và “cơn bão” bên trong tâm trạng chủ thể. Chủ thể là nhân vật được tả bằng những đường đan chéo đậm, dày. Sự đậm, tối trong các mảng vừa thể hiện được chất liệu quần áo của chủ thể, vừa nhấn mạnh sự tối, đen ngòm và giận dữ bên trong tâm trạng chủ thể.

Nếu bức tranh vẽ một nhân vật nhỏ nhắn hơn thì cũng không đạt được hiệu quả mong muốn. Nhìn hình bạn có thể thấy chủ thể là một nhân vật có thân hình cao lớn và gồ ghề. Chủ thể xuất hiện trong không gian nhỏ hẹp càng tạo nên sự bị dồn ép, kịch tích trong hoảng sợ. Trong bức tranh này tác giả đã thể hiện rõ điểm mấu chốt trong bố cục để tạo sức hút thị giác thông qua cách đặt vị trí tầm mắt, vị trí góc nhìn và khoảng cách quan sát đến vật thể. Người quan sát như cũng đang ở một góc chéo so với chủ thể.

Sử dụng bố cục phân chia không đồng đều hay bố cục tỷ lệ vàng trong bức tranh này.
Sử dụng bố cục phân chia không đồng đều hay bố cục tỷ lệ vàng trong bức tranh này.

Như vậy bằng cách tất cả các loại bố cục sức hút thị giác của đường nét nói trên, người nghệ sĩ đã tạo nên một “bài hát” nhịp nhàng và đạt được mục đích cảm xúc của tác giả muốn truyền tải, hoàn thành trọn vẹn vai trò của đường nét. 

5. Lời kết

Đến đây, có lẽ các bạn đã hiểu toàn bộ ý nghĩa của đường nét và biết cách khai thác, phóng bút phát triển ý tưởng, câu chuyện của chính mình. Không cần phải chuẩn bị những chất liệu hay dụng cụ nào quá hoành tráng mà chỉ với một cây bút, bạn có thể tạo nên một tác phẩm cho riêng mình.

Trong suốt quá trình giảng dạy cho các bạn trẻ ở mọi lứa tuổi, chúng tôi luôn coi trọng việc các học viên phải nắm được những kiến thức và kỹ năng thực hành nền tảng cốt lõi, ngay cả khi phát triển lên những mức độ cao hơn, các bạn đều phải biết mình đang và đã học những gì.

Xem tranh cũng vậy, bạn phải hiểu bức tranh đó đạt được những yếu tố gì, chúng tôi cho rằng cảm xúc và tư duy nghệ thuật hội họa không tách rời như mọi người thường nói, chúng bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau nhằm đạt được những giá trị cao hơn và ý nghĩa hơn. Khi bạn có thể rèn luyện được cả hai yếu tố cảm xúc và tư duy hội họa trong mình thì bạn hoàn toàn có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ.

Nếu bạn muốn có thêm những kiến thức cũng như trải nghiệm rèn luyện các kỹ năng hội họa tại The R’art school, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline 0942319315 hoặc fanpage facebook hay trang web rart.vn để được tư vấn hỗ trợ. Chúng tôi có tất cả các khóa học ngắn hạn, dài hạn và workshop cho mọi đối tượng lứa tuổi từ 3 tuổi trở lên đáp ứng đa dạng mong muốn nhu cầu của các bạn. 

 

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận